Blog
icon_tin-tucBlog
angle_down
Tất cả
Mua sắm
Ăn uống
Bí kíp
Thanh toán tiện ích
Chơi game
Giải trí
Du lịch/Vận chuyển
Chuyển tiền
Lì xì
Tài chính
Đầu tư

18 truyện cổ tích Việt Nam tuyển chọn hay và nhân văn nhất cho bé

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam như một cánh cửa thần kỳ mở ra cho trẻ thơ một thế giới đầy màu sắc, nơi những bài học quý giá về lòng nhân ái, sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, về tình yêu nước và tình cảm gia đình được đan xen qua từng câu chuyện. Hãy cùng ZaloPay tìm hiểu 18 câu chuyện cổ tích Việt Nam hay và đặc sắc nhất, đồng thời gợi ý địa điểm mua sách uy tín, giá tốt để bạn có thể dành tặng cho các bé những món quà ý nghĩa.

18 truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc hay nhất

1. Thánh Gióng

Thánh Gióng

Thánh Gióng là truyện cổ tích Việt Nam quen thuộc với hầu hết mọi người. Chuyện kể từ thời vua Hùng thứ sáu có hai vợ chồng lương thiện nhưng mãi vẫn chưa có con. Một hôm người vợ ra đồng nhìn thấy một dấu chân rất to, bà ướm thử chân mình lên đó và khi về nhà thì bất ngờ mang thai. Sau mười hai tháng, bà đã sinh hạ một cậu bé và đặt tên là Gióng. Nhưng đến năm 3 tuổi mà cậu vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi, không biết lẫy, cũng không biết nói hay cười.

Ngày đó, giặc Ân xâm chiếm đất nước, vua cho sứ giả đi khắp nơi để tìm người tài. Khi người của nhà vua đi qua làng, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!”. Gióng chững chạc  yêu cầu sứ giả về tâu với nhà vua rèn cho mình một bộ giáp sắt, một con ngựa sắt và một cây roi sắt để đánh giặc. 

Kể từ lúc ấy cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mãi không no, cứ nấu lên được nồi nào Gióng lại ăn hết ngay nồi ấy. Nhà hết gạo, bà mẹ kêu gọi hàng xóm láng giềng đem gạo khoai, trầu, rượu, hoa quả, bánh trái mang đến đầy một sân. Khi quân sĩ hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới thì Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm: “Ta là tướng nhà Trời!”.

Lưỡi gươm của Gióng vung lên nhanh như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết hết chừng ấy. Ngựa sắt thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Gióng càng đánh càng khỏe, xác giặc nằm ngổn ngang chất thành đống. Bất ngờ gươm gãy, Gióng không chút bối rối, cậu thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc. Chẳng mấy chốc quân giặc đã bỏ chạy khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác.

Xong việc cậu cởi bỏ giáp sắt, từ biệt cha mẹ và bay về trời. Để ca ngợi  công ơn, vua đã phong cho cậu là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ tưởng nhớ.

Giá trị nhân văn của truyện

Sự tích Thánh Gióng là bài ca về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sức mạnh đoàn kết và niềm tin chiến thắng của nhân dân ta. Truyện đã và đang tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần hun đúc lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm bảo vệ quê hương đất nước.

2. Tấm Cám

Tấm Cám

Truyện cổ tích Việt Nam Tấm Cám kể về hai chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Tấm là cô gái hiền lành, nhân hậu, cha mất sớm nên phải sống chung với dì ghẻ và cô em tên Cám. Tấm luôn bị hai mẹ con ăn hiếp và đối xử bất công. Một hôm bà mẹ bảo hai chị em Tấm và Cám ra đồng đi bắt cá và dặn ai bắt nhiều hơn sẽ được thưởng. Tấm vâng lời dặn của mẹ, chăm chỉ bắt cá đầy giỏ, còn Cám mải rong chơi nên đến chiều vẫn chưa bắt được con nào. Thấy chị Tấm bắt được nhiều cá, Cám liền bày mưu lấy hết cá của chị bỏ vào giỏ mình. Tấm phát hiện và ngồi khóc nức nở thì bỗng nhiên ông Bụt hiện lên hỏi: “Tại sao con khóc?”. Tấm kể hết sự tình, sau đó trong giỏ Tấm xuất hiện con cá bống. Bụt dặn Tấm cho cá ăn mỗi ngày, lúc cho ăn thì nhớ gọi: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”

Mẹ con Cám biết chuyện liền bày kế cho Tấm đi chăn trâu xa, ở nhà bắt cá bống lên làm thịt. Đến chiều chăn trâu về, Tấm đem cơm ra giếng kêu mà không thấy bống lên, chỉ thấy nổi lên một cục máu đỏ. Bụt lại hiện lên và bảo Tấm về nhà lượm lấy xương cá bỏ vào bốn cái hũ và chôn dưới bốn chân giường. 

Ít lâu sau, nhà vua mở hội, Tấm muốn đi nhưng dì ghẻ bắt cô ở nhà nhặt thóc, gạo đến khi xong thì mới được đi hội. Bụt hiện ra và sai một đàn chim sẻ xuống nhặt cho Tấm. Sau đó Tấm nghe lời Bụt đào bốn hũ xương lên, hũ thứ nhất mở ra là một bộ váy áo đẹp rực rỡ, hũ thứ hai là một đôi giày thêu rất đẹp, hũ thứ ba là một con ngựa, hũ cuối cùng là một yên cương vững chắc. Tấm vui mừng khôn xiết, vội thay đồ rồi lên đường tiến kinh. Ngựa đi một lúc đã tới kinh thành, nhưng chẳng may trên đường đi Tấm đã vô tình đánh rơi một chiếc giày không kịp nhặt.

Giữa lúc ấy, đoàn quân hộ tống nhà vua đi qua con đường mà Tấm đánh rơi mất giày. Nhà vua nhặt được và ra lệnh cho tất cả đàn bà con gái đi trẩy hội thử giày, nếu ai đi vừa chiếc giày thì sẽ lấy về làm vợ. Khi đến lượt Tấm thử giày, chiếc giày vừa như in, cô mang tiếp chiếc thứ hai đang cầm trong tay thì đúng là một đôi, nhà Vua thấy thế thì mừng rỡ, vội cho người rước nàng về cung.. 

Vì ghen tị, nhân ngày giỗ của cha, mẹ con Cám đã lừa Tấm trèo lên cây hái cau dâng bàn thờ cha và chặt cây hại chết Tấm. Sau đó, Cám tiến cung thay thế vị trí của Tấm. Tấm đã nhiều lần tái sinh dưới hình dạng chim Vàng Anh, xoan đoàn, khung cửi và quả thị. Khi Tấm biến thành quả thị, có bà lão đã đem về để trên gối, bà chỉ ngửi chứ bà không ăn. Hàng ngày bà ra chợ, đến lúc về nhà đã sạch sẽ tinh tươm, bà liền sinh nghi. Một lần bà giả vờ đi chợ thì thấy một cô gái chui ra từ quả thị, dọn dẹp và nấu cơm giúp bà. Chứng kiến cảnh đó bà liền chạy vội vào nhà xé vỏ quả thị và ôm chầm lấy cô Tấm. Từ đó, bà nhận cô làm con gái. 

Tấm ở nhà giúp bà làm việc và phụ bà bán quán nước, Tấm còn biết têm trầu cánh phượng. Một lần nhà vua đi qua, dừng chân nghỉ bên quán nước, thấy trầu têm giống như Tấm têm ngày xưa. Nhà vua ngỏ ý muốn gặp con gái của bà, bà mới gọi Tấm ra, vua vui mừng khi nhận ra Tấm nên đã cho người đem nàng về cung. Về đến cung, Tấm kể rõ những sự tình cho nhà vua nghe, nhà vua tức giận xử tội mẹ con Cám, đuổi ra khỏi cung, vừa ra khỏi thành, mẹ con Cám bị sét đánh chết giữa đồng. Từ đó nhà Vua và Tấm sống hạnh phúc đến trọn đời.

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích Tấm Cám ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người: hiền lành, tốt bụng, chịu thương chịu khó và giàu lòng vị tha. Truyện còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác, minh chứng cho câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” của ông cha ta. Ngoài ra, tác phẩm còn có giá trị giáo dục sâu sắc, giúp con người rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xem thêm: Top những cuốn sách hay nên đọc ít nhất một lần trong đời

3. Thạch Sanh - Lý Thông

Thạch Sanh - Lý Thông

Quận Cao Bình ngày trước có đôi vợ chồng nhà nọ, tuổi cũng đã già nhưng chưa có mụn con nào. Gia đình nhà này rất nghèo, thường phải leo lên rừng để mà chặt củi, rồi đem đi đổi lấy gạo để mà nuôi hai thân già. Vì thương  đôi vợ chồng lương thiện nhưng mãi vẫn chưa có mụn con, Ngọc Hoàng đã sai Thái tử xuống đầu thai làm con của họ. Người mẹ mang thai suốt nhiều năm trời mới sinh được Thạch Sanh. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng sống một mình dưới gốc đa bằng nghề đốn củi và tài sản duy nhất là chiếc rìu do cha để lại. 

Một ngày nọ, có người làm hàng rượu là Lý Thông vô tình đi ngang qua và ngồi xuống nghỉ ngơi ở dưới gốc đa. Vừa lúc ấy, hắn trông thấy Thạch Sanh gánh củi từ trong rừng trở về. Lý Thông âm mưu lân la đến hỏi chuyện với Thạch Sanh. Vì hiền lành, cả tin nên Thạch Sanh đã bị Lý Thông gạt kết nghĩa anh em và bị hắn lợi dụng để kiếm tiền cho mẹ con mình. 

Lúc bấy giờ ở vùng này có con chằn tinh vô cùng hung dữ, có nhiều phép biến hóa rất kỳ lạ, chuyên bắt người để ăn thịt. Đã không ít lần quan quân của triều đình tới tiêu diệt nhưng đều thất bại Sau cùng, không còn cách nào khác nên đành phải thương lượng, xây cho nó cái miếu thờ, hằng năm còn phải dâng cho nó một người, như vậy nó mới không đi phá phách khắp nơi.

Không may, năm ấy đến lượt của Lý Thông phải đi nộp mình cho chằn tinh. Hai mẹ con nhà hắn đã bày mưu lừa Thạch Sanh phải đi nộp mạng thay. Nhưng Thạch Sanh đã anh dũng chiến đấu và đem đầu của chằn tinh về nhà. Mẹ con Lý Thông lại tiếp tục lừa Thạch Sanh, nói dối với chàng con chằn tinh là thú nuôi của nhà vua, giết nó sẽ mang tội chết, nên hãy trốn vào rừng để tránh tội. Trong khi đó, Lý Thông mang đầu chằn tinh lên kinh gặp nhà vua để nhận thưởng.

Bấy giờ, công chúa đã đến tuổi cặp kê, nhà vua tổ chức hội lớn để cho tất cả những hoàng tử của các nước, cùng với tất cả thanh niên trai tráng trong thiên hạ về đây tụ hội để kén rể. Tuy nhiên, trong lúc lễ hội xảy ra, xuất hiện một con đại bàng sải cánh bay tới cắp công chúa đi. Khi ấy Thạch Sanh vô tình trông thấy con đại bàng kia bay ngang qua, dưới chân nó còn đương quắp người, tiện cung tên bên cạnh, chàng liền đưa lên bắn nó một phát. Thạch Sanh lần theo những vết máu của nó mà tìm đến được nơi trú ẩn của đại bàng.

Khi Thạch Sanh gặp lại Lý Thông thì đã kể hết sự tình cho hắn nghe. Lý Thông tiếp tục âm mưu nhờ Thạch Sanh cứu công chúa. Khi đưa được công chúa lên hang, Lý Thông sai người tới lấp kín cửa hang bằng một khối đá lớn, sau đó bỏ về. Công chúa ngày đó trở về cung thì hoá câm.

Trong hang động, Thạch Sanh giết chết đại bàng và cứu được con vua Thủy Tề, chàng được tặng một cây đàn và một niêu cơm. Bị hồn của chằn tinh và đại bàng vu oan trộm vàng, Thạch Sanh bị tống vào ngục. 

Nhờ tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa đã chữa được bệnh câm, chàng được minh oan. Mẹ con Lý Thông thì bị trừng phạt, nhưng Thạch Sanh lại quá bao dung nên tha cho hai mẹ con hắn được trở lại quê nhà để làm ăn. Hai người vừa đi được nửa đường thì đã bị sét đánh chết tươi.. 

Về sau, khi đánh đuổi được quân chư hầu nhờ niêu cơm và tiếng đàn thần kỳ, Thạch Sanh đã được cưới công chúa và nối ngôi vua.

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích Thạch Sanh - Lý Thông thể hiện niềm tin vào một xã hội công bằng, tốt đẹp, nơi người tốt được đền đáp, kẻ ác bị trừng trị. Tác phẩm còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động: hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Truyện cũng đề cao sức mạnh của sự đoàn kết, tương thân tương ái, khẳng định vai trò quan trọng của người lao động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, giáo dục con người về lòng nhân ái, sự trung thực, dũng cảm và tinh thần yêu nước.

4. Cây khế

Cây khế

Có hai anh em trong gia đình nọ, sau khi cha mẹ mất đã để lại một khối tài sản. Người anh tham lam giành hết của cải chỉ chừa cho người em một cây khế và túp lều nhỏ. Vợ chồng người em chăm chỉ làm ăn và chăm sóc cây khế chu đáo. Mùa khế ra quả bỗng có một con chim lạ đến ăn, thấy thế người em vác gậy đuổi, thì chim bèn đáp “Ăn một quả khế trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. 

Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế, ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Người em chạy vào nhà lấy chiếc túi ba gang đã may sẵn rồi leo lên lưng chim. Chim đến một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi chỉ bỏ vàng đầy túi ba gang.

Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc… giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh biết chuyện nên yêu cầu đổi tài sản lấy cây khế của người em, người em cũng đồng ý đổi. Năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim lại tới ăn và chở người anh đi lấy vàng. Nhưng vì tham lam người anh đã may túi quá to chim không chở nổi số vàng nên người anh đã bị rơi xuống biển và chết.

Giá trị nhân văn của truyện:

Truyện cổ tích Cây khế - Sự tích Ăn khế trả vàng đề cao giá trị nhân văn sâu sắc: sống hiền lành, chăm chỉ sẽ được đền đáp, còn sống tham lam, ích kỷ sẽ chuốc lấy hậu quả cay đắng. Đồng thời, tác phẩm cũng thể hiện niềm tin vào lẽ công bằng của cuộc sống: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo".

5. Cây tre trăm đốt

Cây tre trăm đốt

Ngày xưa có chàng trai tên Khoai hiền lành, chất phác làm thuê cho gia đình một phú ông. Vì tin vào lời hứa sẽ gả con gái nếu chăm chỉ, chàng đã ra sức làm việc không ngại khó khăn. Ba năm sau, thời hạn làm thuê của chàng đã hết. Phú ông không muốn gả con gái cho chàng Khoai, ông ta đã bày mưu để đánh lừa chàng. Phú ông yêu cầu chàng  tìm bằng được cây tre trăm đốt để đem về làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới. Đợi Khoai đi khỏi làng, phú ông bèn gả con gái cho một tên nhà giàu khác ở trong làng.

Chàng Khoai đi vào rừng tìm mãi không thấy cây tre trăm đốt, chàng ôm mặt khóc thì Bụt hiện lên giúp đỡ. Bụt dạy chàng Khoai hai câu thần chú là “Khắc nhập, khắc nhập” để gắn một trăm đốt tre thành cây tre và “Khắc xuất, khắc xuất” để tách các đốt tre. Về tới nơi, thấy mọi người trong làng đang ăn cỗ cưới vui vẻ, chàng Khoai mới biết phú ông đã lừa mình. 

Khi phú ông hỏi về cây tre trăm đốt thì chàng ẩm nhẩm đọc “Khắc nhập, khắc nhập” ba lần, tức thì các đốt tre dính liền lại thành cây tre. Phú ông nhìn thấy lạ quá, bèn chạy lại sờ tay vào cây tre. Chàng Khoai thấy vậy đọc luôn “Khắc nhập, khắc nhập”, phú ông và bọn nhà giàu bị dính ngay vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được. Đến khi phú ông van xin và hứa gả con gái thì chàng đọc “Khắc xuất, khắc xuất” ba lần, tức thì cả bọn mới rời khỏi cây tre. Sau cùng, phú ông phải giữ lời hứa gả con gái cho chàng, hai vợ chồng sống bên nhau rất hạnh phúc. .

Giá trị nhân văn của truyện:

Nội dung truyện là lời nhắc nhở về luật nhân quả: người hiền lành, chăm chỉ và tốt bụng sẽ luôn được đền đáp, còn kẻ ác sẽ phải chịu quả báo. Qua đó, tác phẩm cũng giúp trẻ em phân biệt được những điều đúng sai, biết đối xử công bằng với mọi người.

Xem thêm: Top 10 truyện ngôn tình hiện đại Trung Quốc hay nhất hiện nay 

6. Sự tích Trầu Cau

Sự tích Trầu Cau

Sự tích Trầu Cau là một câu chuyện quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Chuyện kể rằng, đời vua Hùng thứ ba có hai anh em tên Tân và Lang giống nhau như đúc. Hai anh em lớn lên thì cha mẹ qua đời. Cả hai thân thiết nhau không rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu, Lang không chịu ở nhà một mình nên xin được học với anh. 

Bấy giờ, đạo sĩ họ Lưu có cô con gái cùng lứa tuổi với họ. Để biết ai là anh, ai là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo. Đương lúc họ đang đói, cô chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Cô thấy người này nhường cháo cho người kia ăn nên cô biết đó là người anh, từ đó đem lòng yêu mến. Cô gái gặp Tân, hai người lấy nhau, Lang cũng về ở chung với anh chị. 

Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước làm vợ Tân nhầm liền ôm chầm lấy, lúc đó Tân bước vào nhà và ghen em, không còn thân thiết với Lang. Lang vì đó mà buồn rầu và bỏ nhà đi. Đến một con suối, vì mệt quá, Lang gục xuống chết và biến thành một tảng đá vôi. Tân ở nhà không thấy em đâu cũng thảng thốt đi tìm, cuối cùng cũng gục chết và hóa thành cây cau bên cạnh tảng đá vôi. Người vợ sau đó cũng tất tả đi tìm chồng, đến khe suối, nàng cũng dựa vào thân cau mà chết, sau đó biến thành dây trầu không. 

Về sau, vua Hùng đi tuần thú, dừng chân nghỉ mát dưới gốc cây cau, thấy chuyện lạ bèn truyền hái lá trầu, ăn với trái cau và vôi. Thấy mùi vị thơm nồng, có sắc đỏ tươi vua truyền cho thiên hạ trồng cau trầu và lấy trầu cau làm lễ trong các dịp cưới hỏi, tế lễ.

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích Trầu Cau đề cao giá trị hạnh phúc gia đình, ca ngợi tình yêu, lòng thủy chung và sự hy sinh. Đồng thời, tác phẩm còn mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam với hình ảnh cây trầu cau gắn liền với những nghi lễ, phong tục tập quán.

7. Sự tích bánh chưng bánh giầy

Sự tích bánh chưng bánh giầy

Vào thời Hùng Vương thứ 6, nhà vua có ý định truyền ngôi cho con trai. Để chọn ra người phù hợp. Nhân lễ cúng Tiên Vương, nhà vua đã đưa ra chỉ thị rằng, không nhất thiết là con trưởng, nếu ai dâng quà cúng Tiên Vương làm hài lòng ngài thì sẽ được kế thừa ngôi vua. Các hoàng tử đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ. 

Trong khi đó, Lang Liêu - người con thứ mười tám của vua Hùng trong một đêm nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.”

Lang Liêu tỉnh dậy, liền làm theo lời Thần mách bảo chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Chàng giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình trời, gọi là bánh dàỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Vua cha rất ưng ý và đã quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng bánh giầy trở thành món ăn truyền thống của người Việt mỗi độ Tết đến.

Giá trị nhân văn của truyện

Sự tích bánh chưng bánh dày là một bài học quý giá về tấm lòng hiếu thảo của người con, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Qua đó, chúng ta càng thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Xem thêm: 15 truyện kinh dị Trung Quốc, Nhật Bản hay, rùng rợn nhất 

8. Sự tích dưa hấu

Sự tích dưa hấu

Vua Hùng thứ 17 có một cậu con trai nuôi tên là Mai An Tiêm rất tháo vát và có trí tuệ hơn người. Vua rất yêu quý chàng nên thường ban cho nhiều của ngon vật lạ. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại muốn tự sức mình tài giỏi để gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Quan thần triều đình biết tin đã đặt điều gièm pha, Vua Hùng tức giận, thế là gia đình Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang. 

Ra đến đảo, gia đình An Tiêm phải tự dùng sức lao động của mình để tìm kiếm thức ăn trên đảo. Hàng ngày chàng phải ra đảo để kiếm rau rừng, quả dại về ăn. Vợ chàng là nàng Ba cũng ra biển mò ốc mò ngao. Các con của An Tiêm cũng theo cha mẹ đi săn bắt chim thú trên đảo. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ, cuộc sống vợ chồng cũng không đến độ đói kém. 

Trong một lần đi tìm thức ăn, An Tiêm thấy có con chim đang ăn thì vội bay đi, bỏ lại miếng mồi màu đỏ, chàng lại gần xem và nhặt được một loại hạt lạ. Chàng nghĩ bụng chim ăn được thì người cũng ăn được, liền đem hạt về trồng và đặt tên cho loại quả này là dưa hấu. Ít ngày sau mấy hạt dưa mọc mầm đâm lá, bò lan ra khắp khoảnh đất, dây dưa bắt đầu ra hoa rồi kết quả. Khi quả chín có vị thanh ngọt, cái mùi thơm nhẹ nhàng của quả lạ, ăn vào không những không xót ruột lại còn thấy đỡ khát và khỏe người ra.

Về sau, dưa ra sai trái, mỗi lần hái dưa An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Một hôm nọ có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng loại quả này để đổi về bán trên đất liền. Từ đấy An Tiêm đổi được các thức ăn dùng thường ngày.

Tiếng lành đồn xa, một hôm quan thần dâng quả lên cho nhà vua, thấy ăn ngon miệng bèn hỏi thăm mới biết là do An Tiêm trồng ngoài đảo. Vua ngẫm nghĩ thấy mình sai, nên cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm về đất liền. Về sau khắp nước ta đều có giống dưa hấu.

Giá trị nhân văn của truyện

Sự tích dưa hấu là lời nhắn nhủ quý giá, giúp con người sống tốt đẹp hơn. Hãy luôn giữ cho mình sự chăm chỉ, cầu tiến, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhưng cũng đừng quên bài học về sự khiêm tốn, để gặt hái thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

9. Ba lưỡi rìu

Ba lưỡi rìu

Ngày xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ mất sớm, gia sản chỉ có chiếc rìu kiếm sống qua ngày. Hàng ngày anh phải vào rừng đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, trong lúc chàng vào rừng đốn củi cạnh con sông chảy nước xiết, sau vài nhát chặt, cán rìu bị gãy và lưỡi rìu bị văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. 

Chàng buồn rầu ngồi hồi lâu, bụt hiện lên và hỏi tại sao chàng khóc. Chàng trai kể về chiếc rìu của mình và bụt hứa sẽ giúp chàng vớt rìu từ dưới đáy sông lên. Lần đầu bụt vớt được một chiếc rìu bạc sáng loáng, chàng trai thật thà bảo không phải của mình. Lần hai bụt vớt được một chiếc rìu bạc, chàng lại lắc đầu và bảo chiếc rìu của mình làm bằng sắt. Đến lần thứ ba, ông bụt ngoi lên từ dòng sông và cầm trên tay chiếc rìu sắt. Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng. 

Bụt khen chàng là người trung thực, không ham lợi lộc. Sau đó tặng cho chàng tiều phu hai chiếc rìu vàng và bạc và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.

Giá trị nhân văn của truyện

Truyện cổ tích Ba lưỡi rìu khuyên chúng ta nên sống thật thà, trung thực, chăm chỉ lao động, biết ơn những người đã giúp đỡ mình, đồng thời lên án những kẻ tham lam, lừa lọc. Ngoài ra, truyện còn thể hiện niềm tin vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác, khẳng định giá trị của trí thông minh và sự nhanh trí trong cuộc sống.

10. Cậu bé Tích Chu

Cậu bé Tích Chu

Tích Chu là câu chuyện cổ tích hay và cảm động về tình cảm gia đình. Chuyện kể về cậu bé Tích Chu mồ côi cha mẹ, nay từ nhỏ đã sống cùng bà. Bà phải làm việc vất vả để nuôi Tích Chu, đồ ăn ngon đều nhường hết cho cậu. Ban đêm khi Tích Chu ngủ thì bà thức để quạt. 

Thế nhưng, khi lớn lên Tích Chu lại suốt ngày rong chơi cùng bạn bè và không quan tâm gì đến bà. Một buổi trưa nọ, trời nóng, bà lên cơn sốt cao, không có người chăm sóc,. Bà khát nước nhưng gọi mãi Tích Chu không lên tiếng, cuối cùng bà cậu mất và hóa thành chim bay lên trời. 

Tích Chu òa lên khóc. Tích Chu thương bà và hối hận lắm. Giữa lúc đó một bà Tiên hiện ra. Bà Tiên bảo Tích Chu lấy nước suối Tiên cho bà uống thì bà sẽ sống lại. Cậu bé Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ. Tích Chu vượt qua bao nhiêu rừng núi hiểm trở, cuối cùng cũng đến được suối tiên. Cậu vội vàng lấy đầy bình nước mang về cho bà. Vừa được uống nước bà Tích Chu trở lại thành người. Từ đấy, cậu bé Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà. Hai bà cháu lại chung sống hạnh phúc bên nhau.

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích cậu bé Tích Chu là một câu chuyện ý nghĩa, mang đến cho chúng ta nhiều bài học quý giá về đạo đức và cuộc sống. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đồng thời phải kiên trì, nhẫn nại trong mọi việc và luôn giữ niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Xem thêm: Top 8 cuốn sách hay nhất về tâm lý học tội phạm

11. Sọ Dừa

Sọ Dừa

Một cặp vợ chồng hiếm muộn nọ phải đi ở cho nhà phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con. Một hôm bà vợ vào rừng, vì trời nắng to và khác nước quá nên khi thấy một sọ dừa, bà liền bưng lên uống .và Thế rồi, khi về nhà bà liền mang thai. 

Sau đó, người vợ sinh ra một đứa trẻ tròn vo như sọ dừa, không tay không chân., bBà buồn lòng, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo: “Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp”. Ấy vậy là bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.i. Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Sọ Dừa chăn bò cho phú ông rất giỏi, con nào con nấy no căng. Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa nhưng chỉ có cô út là đối đãi tốt với Sọ Dừa.

Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo và một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Sau này, nhờ mang đủ đồ thách cưới là một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem, thì Sọ Dừa đã lấy được con gái Út nhà phú ông. Trong ngày cưới, chàng biến thành một chàng trai vô cùng tuấn tú khiến hai cô chị ghen tức. Về sau, nhờ chăm chỉ đèn sách nên Sọ Dừa đã đỗ Trạng Nguyên, hai cô chị nhân cơ hội bày mưa đẩy cô em út xuống nước.Nhưng không thành, vì Sọ Dừa đã đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để hộ thân, nhờ vậy mà cô thoát chết. Mọi chuyện vỡ lẽ, hai cô chị thì bỏ đi biệt xứ.

Giá trị nhân văn của truyện

Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của con người, không nên đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài. Ngoài ra, truyện còn giáo dục con người về lòng hiếu thảo, sự chăm chỉ lao động, lòng nhân ái, biết yêu thương và sống lương thiện.

12. Hòn Vọng Phu - Truyền thuyết nàng Tô Thị

Hòn Vọng Phu - Truyền thuyết nàng Tô Thị

Ngày xưa, ở trấn Kinh Bắc, có đôi vợ chồng nọ sinh được hai mụn con, đứa con trai tên là Tô Văn, con gái tên là Tô Thị. Mỗi khi đi làm đồng sẽ để hai anh em chơi với nhau. Một hôm, Tô Văn chơi ném đá trúng ngay vào giữa đầu em. Tô Thị ngã vật xuống đất, máu chảy ra lênh láng. Tô Văn thấy thế sợ quá, chạy một mạch ra đường, không còn dám ngoái cổ lại. May sao, một bà hàng xóm chạy sang lấy lá thuốc dấu rịt cho Tô Thị, cầm được máu. Đến khi người mẹ đi mò cua về thì cô con gái đã ngồi dậy được. Còn Tô Văn thì bỏ đi biệt tích. Người mẹ nhớ con, sinh ra buồn phiền, chẳng bao lâu ốm nặng rồi chết, bỏ lại Tô Thị một mình.

Sau này, hai vợ chồng người chủ hàng cơm nhận nuôi Tô Thị rồi mang nàng lên xứ Lạng mở hàng nem. Tô Thị thấm thoắt đã hai mươi tuổi, lớn lên xinh đẹp, hàng nem của nàng ngày càng nức tiếng. Tuy có nhiều mối manh, nhưng nàng chưa thuận nơi nào. 

Một hôm, có một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, vẻ người tuấn tú, mang thuốc Bắc về xứ Lạng bán và đem lòng thương Tô Thị. Hai người lấy nhau không bao lâu thì có được hai mụn con. Một hôm, người chồng về nhà, thấy vợ đang ngồi gội đầu ở ngoài hè. Chàng vừa bế con ngồi trên bậc cửa xem vợ gội đầu, vừa kể đôi câu chuyện vặt cho vợ nghe. Chợt thấy đầu vợ có cái sẹo to, chàng hỏi chuyện mới biết Tô Thị hoá ra là người em gái năm xưa của mình.

Lòng Tô Văn từ ngày ấy rối bời, cuối cùng chàng tìm cách xin đăng lính mãi chẳng về. Từ ngày chồng đi, Tô Thị chẳng thiết gì đến việc bán hàng. Ngày ngày nàng bế con lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng đi được bình yên, chóng được trở về. Một hôm, nàng ôm con lên chùa Tam Thanh khấn thì mây đen kéo đến, gió rít từng cơn, mưa như trút nước, sấm chớp cả vùng trời. Nàng vẫn bế con đứng trơ trơ, đăm đăm nhìn về hướng chồng đi. Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió yên, mặt trời tỏa ánh sáng xuống núi rừng. Nàng Tô Thị bế con đã hóa đá tự bao giờ. Người dân trong vùng gọi đấy là hòn Vọng Phu.

Giá trị nhân văn của truyện

Sự tích Hòn Vọng Phu là một câu chuyện cảm động về lòng chung thủy, son sắt của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện niềm thương cảm cho số phận của họ. Câu chuyện cũng thể hiện sức mạnh của tình yêu thương, niềm tin và hy vọng.

13. Cậu bé thông minh

Cậu bé thông minh

Với mong muốn tìm kiếm hiền tài cho đất nước, nhà vua đã phái quan viên đi khắp nơi đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa để thử thách. Trong lúc đang làm ruộng, hai cha con bị quan viên thách đố bằng một câu hỏi hóc búa, ông hỏi: 

- Này ông lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?

Cậu bé đáp:

- Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.

Viên quan nghe hỏi lại thì thầm nghĩ bụng nhất định nhân tài ở đây rồi, không cần tìm đâu nữa mất công. Vua nghe tin mừng, nhưng để thử thách cậu bé, vua bèn sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp vài ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.

Mấy hôm sau, hai cha con khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, cậu bé bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì lẻn vào sân khóc um lên. Vua sai lính gọi vào và hỏi vì sao cậu bé khóc. Cậu bé đáp:

- Tâu đức vua. Mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.

Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán:

- Cháu muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố cháu, chứ bố cháu là giống đực làm sao mà đẻ được!

Cấu bé tươi tĩnh đáp:

- Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!

Vua và đình thần thấy cậu bé là thông minh lỗi lạc, nhưng đức vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ và lệnh chỉ bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé lấy một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

- Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.

Lúc bấy giờ, nước láng giềng nhăm nhe muốn chiếm bờ cõi của nước ta. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ mới sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, thách đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. Vua sai người đến tìm cậu bé thông minh. Nghe quan trình bày câu đố của sứ giả ngoại quốc, cậu bé chỉ hát lên một câu:

Tang tính tang! Tính tình tang!

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng,

Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Tang tình tang...

Vua và các triều thần nghe lời làm theo, quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt kính phục của sứ giả nước láng giềng. Sau này, vua phong cho cậu bé làm trạng nguyên. 

Giá trị nhân văn của truyện

Tác phẩm ca ngợi trí tuệ và sự nhạy bén phi thường của con người, đồng thời tôn vinh những cá nhân thông minh biết vận dụng trí tuệ vào thực tiễn. Đồng thời, truyện cũng ngợi ca những người có tầm nhìn xa trông rộng, biết trọng dụng nhân tài để xây dựng đất nước.

14. Chú Cuội cung trăng

Chú Cuội cung trăng

Ngày xửa ngày xưa, có một anh chàng tiều phu hiền lành tên là Cuội. Một hôm, trong khi đang đốn củi trong rừng sâu, thì giật mình khi gặp một cái hang cọp. Phát hiện thấy trong hang chỉ có bốn con cọp con đang vờn nhau, Cuội liền xông tới bổ mỗi con một nhát rìu. Vừa lúc đó, cọp mẹ trở về hang thấy các con mình nằm chết trên mặt đất, cọp mẹ gầm rú vang cả núi rừng. Cuội hoảng sợ quẳng rìu trèo tót lên cây cao.

Nhìn từ trên xuống, Cuội thấy cọp mẹ lầm lũi tiến lại một gốc cây gần chỗ Cuội đang ẩn náu, ngoặm một ít lá trở về nhai và mớm cho con. Trong chốc lát, bốn con cọp con đã sống lại. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc và mang về trồng. Trên đường về, Cuội gặp ông lão ăn mày nằm chết trên bụi cỏ. Cuội mớm lá cây chưa bao lâu thì ông lão tỉnh dậy, ông dặn cụ hãy chăm sóc câu nhưng đừng tưới nước bẩn, nếu không cây sẽ bay lên trời.

Nhờ có lá của cây thuốc quý, Cuội đã cứu sống được vô số người dân trong vùng khỏi bệnh tật. Một lần nọ, một lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội để nài nỉ cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Sau khi sống lại, cô gái xin làm vợ chàng. 

Tuy nhiên, tai họa bất ngờ ập đến, vợ Cuội bị giặc hãm hại, dù Cuội dùng lá thuốc cứu sống được vợ nhưng nàng lại mắc bệnh hay quên. Ngày đó, nàng đã vô tình tưới nước bẩn lên cây thuốc. Ngay lập tức, cây thuốc bay vút lên trời cao. Vì không muốn mất đi cây thuốc quý, Cuội vội vàng bám lấy rễ cây và bị cuốn theo lên cung trăng. Từ đó, Cuội mãi mãi gắn bó với cung trăng, bên cạnh cây thuốc quý.

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích Chú Cuội cung trăng không chỉ là một câu chuyện cổ tích đơn thuần, mà còn ẩn chứa những thông điệp về khát vọng khám phá và nâng cao trí tưởng tượng phong phú dành cho trẻ nhỏ.

Xem thêm: 10 lợi ích thiết thực của việc đọc sách, bạn đã biết?

15. Sự tích cây vú sữa

Sự tích cây vú sữa

Xưa kia có một cậu bé được mẹ nuông chiều, vì vậy mà ham chơi, la cà khắp nơi. Một hôm, vì bị mẹ mắng, cậu bé giận dỗi bỏ nhà đi lang thang, không chịu về. Thương con, lo lắng cho con, người mẹ ngóng trông mãi mà không thấy con đâu, bà liền gục xuống bên đường và hóa thành một gốc cây to lớn. 

Khi hoàng hôn buông xuống, cậu bé hối hận trở về nhà, nhưng không còn thấy mẹ đâu nữa. Nỗi buồn bao trùm lấy cậu, cậu bật khóc nức nở và ôm lấy gốc cây bên đường. Lạ thay, gốc cây rung rinh, từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Vì tò mò nên cậu bé đã nếm thử quả đó. 

Thoạt đầu, cậu cảm nhận vị chát từ lớp vỏ bên ngoài, đến quả thứ hai rơi xuống cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả thì cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống, cậu khẽ bóp quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ lan tỏa khắp khoang miệng. Từ đó, người dân trong vùng biết đến câu chuyện cảm động này và gọi loại cây ấy là "cây vú sữa".

Giá trị nhân văn của truyện:

Sự tích thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con, luôn sẵn sàng hi sinh tất cả vì con, mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Truyện còn nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thảo, yêu thương và kính trọng với cha mẹ. 

16. Câu chuyện bó đũa

Câu chuyện bó đũa

Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình nọ gồm ông bố và ba người con. Nhìn thấy các con ít khi quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, ông bố vô cùng buồn lòng. Mong muốn gắn kết tình cảm anh em, ông gọi các con lại, đặt trước mặt mỗi người một bó đũa và yêu cầu bẻ gãy nó. 

Người con cả gắng hết sức nhưng không thể bẻ nổi bó đũa. Người con thứ cũng cố gắng bẻ, nhưng vô ích. Người con út lấy hết sức để bẻ, bó đũa vẫn không bị gãy một chiếc nào. Người cha thấy vậy cầm lấy bó đũa và tháo ra, rồi bẻ từng chiếc một, rồi từ tốn nói với các con: “Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con biết đoàn kết với nhau thì không ai có thể đánh bại được các con. Hãy hứa với cha rằng, ba con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay.”

Sau khi, người cha chết đã để lại cho các con của ông rất nhiều tài sản, nhưng lại không phân chia. Ba anh em đều muốn mình tranh lấy phần hơn, họ dứt khoát chia riêng rẽ mỗi người một gian nhà và không qua lại với nhau nữa.

Chẳng bao lâu sau, có một chủ nợ đến nhà, đòi món nợ mà cha họ đã vay trước đây. Ba anh em đùn đẩy nhau, không ai chịu trả nợ cho cha. Chủ nợ kiện ba người lên quan, bắt ba anh em phải bỏ ra một phần đủ để trả món nợ. Nhưng họ vẫn không chịu, quan liền tịch thu tài sản của họ. Đến lúc này, họ mới nhớ tới lời cha dặn thì tất cả đều đã muộn.

Giá trị nhân văn của truyện

Câu chuyện bó đũa là một bài học đạo đức sâu sắc về sức mạnh của sự đoàn kết. Khi chúng ta ở bên nhau, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn, giúp vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Câu chuyện cũng là lời nhắc nhở mỗi người về tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Gia đình là nơi che chở, bảo vệ và là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Xem thêm: Top 15 cuốn tiểu thuyết hay kinh điển mọi thời đại, nên đọc

17. Sự tích bông cúc trắng

Sự tích bông cúc trắng

Ngày xưa có hai mẹ con nương tựa nhau sống trong một căn nhà nhỏ. Một hôm, người mẹ không may bị bệnh nặng. Bà gọi con gái đi tìm thầy thuốc, cô bé vâng lời, vừa đi lại vừa lo lắng cho mẹ. Trên đường, cô vô tình gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng. Cụ già thấy cô bé vội vã như vậy thì hỏi thăm mới biết sự tình. Cụ già bảo cô bé ông chính là thầy thuốc, hãy dẫn ông đến nhà khám bệnh cho mẹ.

Cô bé hết sức vui mừng, dẫn đường cho cụ già về nhà mình. Đến nơi, cụ già liền khám bệnh cho mẹ và mách cho cô bé cách chữa bệnh. Ông bảo cô bé đi đến chỗ gốc đa ở đầu rừng, hái một bông hoa màu trắng và mang về đây. Đến nơi, cô bé ngó xung quanh thì thấy một bông hoa màu trắng rất là đẹp. 

Đột nhiên cô bé nghe thấy tiếng nói của cụ già đang văng vẳng ở bên tai mình: “Bông hoa có bao nhiêu cánh nghĩa là mẹ cháu sống được bấy nhiêu ngày”. Sau một hồi suy nghĩ thì cô bé liền ngồi xuống, nhẹ nhàng xé từng cánh hoa ra thành rất nhiều sợi nhỏ khác. Mỗi sợi nhỏ ấy lại trở thành một cánh hoa vừa dài vừa mượt. Bông hoa bây giờ đã có vô vàn cánh hoa. 

Sau đó cô bé mới đem theo bông hoa chạy nhanh về nhà. Cụ già tươi cười mà nói với cô rằng: “Mẹ của cháu khỏi bệnh rồi đấy. Đó chính là phần thưởng cho lòng hiếu thảo, ngoan ngoãn của cháu!”. Kể từ đó về sau, bông cúc trắng là biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Giá trị nhân văn của truyện

Câu chuyện nhắc nhở mỗi người về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo và tình mẫu tử thiêng liêng. Đồng thời, tác phẩm cũng là bài học về sự lạc quan và kiên trì, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

18. Trí khôn ta đây

Trí khôn ta đây

Xưa kia, có con cọp từ trong rừng sâu ra ngoài, nó trông thấy bác nông dân cùng con trâu chăm chỉ cày cuốc. Tuy rằng con trâu kia rất chăm chỉ kéo cày nhưng vẫn bị bác nông dân quất roi vào mông. Cọp thấy lạ, nó đợi đến trưa bác nông dân tháo hết cày cho trâu thì lại hỏi chuyện, trâu bảo rằng con người tuy nhỏ bé nhưng họ có trí khôn, nếu muốn biết thì cứ tìm họ mà hỏi.

Nghe trâu nói như vậy thì cọp ta lại đến hỏi bác nông dân. Bác nông dân bình tĩnh đáp: "Trí khôn của ta để hết ở nhà." Nghe bác nông dân bảo vậy thì cọp ta hết sức mừng rỡ, vội vàng giục bác về nhà lấy. Nhưng bác nông dân đưa ra thoả thuận với cọp, trói nó vào cây để yên tâm về nhà lấy trí khôn mà không sợ nó ăn mất trâu.

Tất nhiên là cọp chẳng có chút nghi ngờ nào về chuyện này nên chấp thuận. Bác nông dân đợi cọp đồng ý thì đem tới dây thừng và trói cọp thật chặt vào dưới gốc cây cạnh đó. Xong rồi bác lại đem tới rất nhiều rơm khô để chất xung quanh chỗ cọp. Sau cùng thì bác châm lửa để đốt rơm, rơm cháy và bác liền quát: “Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!”

Nhìn thấy cảnh này thì con trâu bò lăn ra đất mà cười, không may là hàm trên của nó đập phải đá và rụng hết răng. Trong lúc đó, cọp hết sức vùng vẫy ở bên trong đám cháy. Đến khi lửa cháy lớn làm đám dây thừng bị đứt, thì cọp mới thoát được. Nó co chân co cẳng vùng dậy và chạy thẳng vào trong rừng sâu. Kể từ ngày đó, đám cọp con được sinh ra đều có thêm những vằn màu đen và kéo dài ở trên người. Những vết vằn ấy chính là dấu vết còn sót lại của những vệt cháy ngày xưa. Còn đám trâu cũng kể từ ngày đó con nào cũng đều không có răng ở hàm trên, chỉ có mỗi lợi mà thôi.

Giá trị nhân văn của truyện:

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng, bên cạnh sức mạnh, trí tuệ và sự mưu trí cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Truyện còn cho thấy ý đồ của những kẻ xấu luôn rình rập và phải luôn vận dụng trí khôn của mình trong mọi tình huống.

>>> Xem thêm: Top 10 cuốn sách hay nhất cho học sinh, sinh viên Việt Nam

Mua truyện cổ tích Việt Nam hay nhất ở đâu uy tín, giá rẻ?

Những câu chuyện cổ tích Việt Nam hay luôn ẩn chứa nhiều thông điệp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tìm mua những đầu sách cổ tích hay cho bé tại các cửa hàng trên toàn quốc, bạn cũng có thể tìm mua dễ dàng trên sàn thương mại điện tử Tiki. Đặc biệt, khi lựa chọn thanh toán qua nền tảng ZaloPay bạn còn có cơ hội tận hưởng thêm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Xem thêm: Hướng dẫn săn mã giảm giá Tiki cực hời khi thanh toán qua ZaloPay

Mua truyện cổ tích Việt Nam thanh toán ZaloPay

Trên đây là top 18 truyện cổ tích Việt Nam hay và ý nghĩa trong kho tàng văn học dân gian. Hy vọng qua những câu chuyện cổ tích, các bé sẽ được rèn luyện trí tưởng tượng phong phú, khả năng tư duy sáng tạo và bồi dưỡng tâm hồn nghệ thuật. Đồng thời, các bé cũng sẽ học được những bài học đạo đức quý giá, giúp định hướng giá trị sống và trở thành những người có ích cho xã hội.

Tags:
#tiki_khuyến_mãi#mã_giảm_giá_tiki#tiki_sách

Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay

Tải Ví ZaloPay