Blog
icon_tin-tucBlog
angle_down
Tất cả
Mua sắm
Ăn uống
Bí kíp
Thanh toán tiện ích
Chơi game
Giải trí
Du lịch/Vận chuyển
Chuyển tiền
Lì xì
Tài chính
Đầu tư
Nhập môn chứng khoán

Hướng dẫn lọc cổ phiếu hiệu quả theo phương pháp CANSLIM (Từ A - Z)

Nắm vững các phương pháp đầu tư chứng khoán là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đạt được thành công trong lĩnh vực này. Bài viết hôm nay ZaloPay sẽ giới thiệu cho bạn một trong những phương pháp đầu tư nổi tiếng và hiệu quả do nhà môi giới chứng khoán William O’Neil phát minh mang tên: CANSLIM

Phương pháp CANSLIM là gì? 7 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu tốt của CANSLIM

Định nghĩa

Phương pháp đầu tư CANSLIM do nhà môi giới chứng khoán người Mỹ tên William O’Neil phát minh và công bố rộng rãi vào năm 1988. Đây là phương pháp tập trung vào việc tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá nhanh kể từ thời điểm được mua vào. Phương châm mà William O’Neil theo đuổi chính là “mua vào cổ phiếu tốt và bán ra cổ phiếu xấu”. Dựa vào phương pháp CANSLIM, các nhà đầu tư có thể đánh giá và đưa ra những quyết định đầu tư vào các loại cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng. 

Cụm từ “CANSLIM” gồm 7 chữ cái là viết tắt của 7 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu mà phương pháp này hướng tới, gồm:

  • C (Current Quarterly Earnings Per Share): Tăng trưởng thu nhập quý ở hiện tại
  • A (Annual Earnings Growth): Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm
  • N (New Products or Management or Price High): Sản phẩm mới, Ban quản lý mới,  Đỉnh giá mới
  • S (Supply and Demand): Mối quan hệ cung - cầu của cổ phiếu trên thị trường
  • L (Leader or Laggard): Cổ phiếu dẫn đầu hay cổ phiếu đội sổ
  • I (Institutional Sponsorship): Sự quan tâm từ các tổ chức hoặc định chế trong tài chính đến cổ phiếu
  • M (Market Direction): Xu hướng thị trường
Phương pháp lọc cổ phiếu CANSLIM được nhiều nhà đầu tư áp dụng
Nguồn: iife.edu.vn

Phân tích các tiêu chí chọn lọc cổ phiếu trong phương pháp CANSLIM

Các tiêu chí chọn lọc cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM được tổng hợp trong bảng sau:

Tiêu chíNội dung

C - Current Quarterly Earnings Per Share 

(Tăng trưởng thu nhập quý ở hiện tại)

Mức tăng trưởng EPS (Earnings Per Share - thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của quý gần nhất và quý liền kề phải đạt tối thiểu từ 20 - 25% so với cùng kỳ của năm trước đó. Không nên so sánh mức tăng trưởng EPS giữa các quý liền kề nhau để loại trừ sự ảnh hưởng của các yếu tố mang tính thời vụ.

Phần lớn thu nhập phải đến từ các hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Nên loại trừ các yếu tố tức thời, chỉ xảy ra một lần như: chênh lệch tỷ giá, bán bất động sản,…

Sự tăng trưởng về lợi nhuận phải đi kèm với tăng trưởng doanh thu. Điều này đồng nghĩa với việc mức tăng trưởng doanh thu của quý gần nhất phải đạt tối thiểu từ 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong trường hợp hai yếu tố này không có sự nhất quán, cần đặt nghi vấn về sự phát triển của tổ chức đó.

A - Annual Earnings Growth

(Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm)

Tốc độ tăng trưởng thu nhập hàng năm cần đạt ít nhất 25%.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của 4 quý hoặc ở năm gần nhất phải đạt tối thiểu 17%.

Mặc dù biên lợi nhuận trước thuế phụ thuộc vào đặc thù từng ngành nghề, nhưng William O’Neil vẫn đưa ra đề xuất mức tối thiểu nên đạt là 17% cho chỉ số này.

Nên lọc và theo dõi mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm, thay vì 1 hay 3 năm. Điều này giúp bạn có cái nhìn khái quát hơn về tình hình phát triển của tổ chức đó, tránh nhầm lẫn với các khoảng tăng trưởng ngắn hạn.

Liên quan đến tiêu chí A và C, bạn cần quan tâm đến 2 chỉ số là EPS rating và SMR rating.

EPS rating là chỉ số đánh giá tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp được tổng hợp dựa trên kết quả EPS của 2 quý gần nhất và bình quân của 3 năm gần nhất. EPS rating được xếp hạng từ 1 đến 99. Cổ phiếu có EPS rating lớn hơn hoặc bằng 90 đồng nghĩa với việc nó thuộc top 10% cổ phiếu có mức tăng trưởng thu nhập tốt nhất trên thị trường.

SMR rating là chỉ số đánh giá chất lượng EPS dựa trên 3 yếu tố: tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được xếp hạng từ A đến E, tương ứng với mức “tốt nhất” đến “tệ nhất”. Doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu có SMR rating đạt mức A sẽ lọt top 20% doanh nghiệp có chất lượng tăng trưởng EPS tốt nhất thị trưởng. 

Phương pháp CANSLIM kiến nghị nên lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp có chỉ số EPS rating 80 và SMR rating từ mức B trở lên.

N - New Products or Management or Price High

(Sản phẩm mới, Ban quản lý mới, Đỉnh giá mới)

William O’Neil đưa ra những nhận định về sự cải tiến sản phẩm, hệ thống quản lý và mức giá như sau:

Nếu một doanh nghiệp cho thấy sự cải tiến, phát triển sản phẩm vượt trội so với đối thủ về giá cả và chất lượng, thì đây chính là tín hiệu dự báo về sự tăng trưởng của giá cổ phiếu ở tương lai.

Việc có những thay đổi trong hệ thống quản lý là động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Những con người mới thường đi cùng với ý tưởng mới. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi diễn ra liên tục hoặc bất thường, cần đặt nghi vấn về tính ổn định của tổ chức đó.

Nên lựa chọn cổ phiếu đạt mức giá cao mới so với 52 tuần trước đó.

S - Supply and Demand

(Mối quan hệ cung - cầu của cổ phiếu trên thị trường)

Mối quan hệ cung - cầu chính là yếu tố quyết định sự tăng hay giảm giá cổ phiếu trên thị trường. Nếu cung lớn hơn cầu, giá có xu hướng giảm, ngược lại cầu vượt cung giá sẽ tăng. Dựa theo quy luật trên, phương pháp CANSLIM đưa ra những kiến nghị như sau:

Nên lựa chọn những cổ phiếu có khối lượng giao dịch hàng ngày cao hơn khối lượng trung bình trong 3 tháng trước đó.

Nên hướng sự chú ý đến các tổ chức đang mua lại chính cổ phiếu mà họ đã phát ra trên thị trường. Đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang có sự trông đợi về mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của họ ở tương lai.

Nhà đầu tư nên đầu tư vào các doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển đổi nhỏ.

Trong tiêu chí này, nhà đầu tư cần quan tâm đến chỉ số A/D rating. Đây là đại lượng được xác định dựa trên sự so sánh tương quan giữa lực lượng mua và bán cổ phiếu trong 13 tuần giao dịch gần nhất. Các doanh nghiệp được xếp hạng từ A đến E tương ứng với “mua nhiều” đến “bán nhiều”. Công ty có chỉ số A/D rating đạt hạng B trở lên (>60 điểm) thì được đánh giá là có mức cung - cầu tốt.

L - Leader or Laggard

(Cổ phiếu dẫn đầu hay cổ phiếu đội sổ)

Nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp có sức mạnh giá cổ phiếu cao trong thị trường hoặc trong lĩnh vực đầu tư.

Những cổ phiếu rớt giá nhiều nhất là những cổ phiếu yếu nhất. Cần tránh đầu tư vào những cổ phiếu này.

Nhà đầu tư cần quan tâm đến chỉ số RS rating vì đây là căn cứ giúp tìm ra cổ phiếu dẫn đầu trong mỗi ngành. Người ta xác định RS rating bằng cách đo lường hiệu suất giá của cổ phiếu trong 12 tháng vừa qua và so sánh kết quả với các cổ phiếu khác. Các doanh nghiệp được xếp hạng theo mức điểm từ 1 đến 99, tương ứng từ “tệ nhất” đến “tốt nhất” . Doanh nghiệp có RS rating đạt 90 điểm đồng nghĩa với việc nó ưu việt hơn 90% các cổ phiếu khác về hiệu suất giá. 

I - Institutional Sponsorship

(Sự quan tâm của các tổ chức hoặc định chế tài chính đến cổ phiếu)

Nhà đầu tư nên hướng tới những doanh nghiệp mà cổ phiếu của họ có sự sở hữu từ các tổ chức lớn và uy tín như ngân hàng, tập đoàn lớn, quỹ đầu tư,… Những đơn vị này thường sở hữu đội ngũ chuyên gia phân tích thị trường chuyên nghiệp, việc họ mua một cổ phiếu chứng tỏ tiềm năng về giá của loại cổ phiếu đó. Số lượng tổ chức uy tín đầu tư vào cổ phiếu không nhất thiết phải quá nhiều, một doanh nghiệp chỉ cần có một vài cổ đông như vậy là đủ.

Trong trường hợp các tổ chức sở hữu ồ ạt bán ra một loại cổ phiếu, đây là tín hiệu xấu báo hiệu sự giảm sút giá của nó trên thị trường.

M - Market Direction

(Xu hướng của thị trường)

Thị trường luôn dịch chuyển và được chia làm 3 xu hướng chính gồm: xu hướng tăng, xu hướng giảm và xu hướng đi ngang.

Nhà đầu tư cần theo sát và nắm xu hướng thị trường, từ đó chưa ra những hành động phù hợp.

Các đặc điểm nổi bật của phương pháp CANSLIM

Phương pháp CANSLIM được các nhà đầu tư tin tưởng áp dụng bởi các đặc tính nổi bật như:

Tính linh hoạt

Tính linh hoạt của phương pháp CANSLIM nằm ở thời gian nắm giữ cổ phiếu. Nó có thể là vài ngày cũng có thể là vài năm. Không có một khoảng thời gian xác định nào được đưa ra mà việc mua - bán cổ phiếu phụ thuộc vào tiềm năng giá cả của nó. 

Phương pháp CANSLIM đề xuất thời điểm mua thích hợp là khi giá cổ phiếu vượt mức cao mới trong 52 tuần. Thời điểm cần phải bán ra là khi giá cổ phiếu giảm 20%.

Động lượng

Phương pháp CANSLIM mang tính tạo động lực vì thúc đẩy nhà đầu tư mua vào khi khối lượng giao dịch tăng và xu hướng thị trường tăng. 

Tăng trưởng có lợi nhuận

Đặc điểm này bộc lộ ở việc phương pháp CANSLIM yêu cầu xác định mức tăng trưởng quý (yếu tố C) và mức tăng trưởng thu nhập năm (yếu tố A). Việc hướng sự lựa chọn đến các công ty có mức tăng trưởng cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng.

Sản phẩm tuyệt vời

Điều này thể hiện rõ nhất ở yếu tố N và yếu tố L của CANSLIM. Việc hướng đến những vượt trội về chất lượng, giá cả, hệ thống quản lý hay lựa chọn cổ phiếu dẫn đầu sẽ giúp nhà đầu tư sở hữu “sản phẩm tuyệt vời”

Vận dụng đúng phương pháp CANSLIM
Nguồn: cafefcdn.com

Ưu và nhược điểm của CANSLIM

Sau một thời gian được áp dụng thực tế trên thị trường chứng khoán, phương pháp CANSLIM bộc lộ những điểm mạnh và điểm yếu như sau:

Ưu điểm

  • Phương pháp CANSLIM mang tính khoa học vì đây là kết quả của công trình nghiên cứu dựa trên việc phân tích hơn 600 loại cổ phiếu khác nhau ở thị trường chứng khoán do William O’Neil thực hiện.
  • Phương pháp CANSLIM được đánh giá là dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng. Do đó nó phù hợp với những nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc có sổ vốn nhỏ lẻ.
  • Phương pháp phân tích đầu tư CANSLIM tương đối phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhược điểm

  • Phương pháp CANSLIM chỉ dừng ở mức chỉ ra các hiện tượng trên thị trường chứng khoán mà chưa phân tích sâu vào bản chất của các yếu tố đó. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư áp dụng một cách máy móc phương pháp CANSLIM vào tất cả các loại cổ phiếu thay vì chỉ áp dụng vào những loại phù hợp. Do đó khiến nhà đầu tư thu về kết quả không như mong đợi.
  • Phương pháp CANSLIM không phù hợp với một số ngành có sự tăng trưởng đặc thù như bất động sản, y tế,... 
  • Tính cập nhật và tính mới của phương pháp CANSLIM không cao. Công trình nghiên cứu này được William O’Neil công bố từ những năm 1988. Ở giai đoạn này, có rất nhiều loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay chưa hình thành. 

Thực hành lọc cổ phiếu CANSLIM tại thị trường chứng khoán Việt Nam

Các bạn có thể tiến hành lọc cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM tại thị trường Việt Nam thông qua 4 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu cho phương pháp CANSLIM

Có hai cách chính để thực hiện bước này:

  • Đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp qua các năm để lựa chọn ra doanh nghiệp phù hợp. Đây là phương pháp truyền thống, nhà đầu tư thường mất nhiều thời gian để đưa ra được kết quả cuối cùng. Chính đặc điểm này cũng khiến nhà đầu tư bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.
  • Tham khảo bài phân tích, dự đoán của các chuyên gia tài chính được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bước 2: Sử dụng bộ lọc để tìm ra cổ phiếu tiềm năng

Trên các trang web chuyên về tài chính hoặc các sàn giao dịch thường cung cấp bộ lọc cổ phiếu để nhà đầu tư tham khảo sử dụng.

4 bước lọc cổ phiếu CANSLIM
Nguồn: image.vietstock.vn

Bước 3: Đánh giá xu hướng của thị trường để đưa ra quyết định đầu tư

Sau khi phân tích xu hướng thị trường, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân khi thị trường đang trong giai đoạn đi lên, hoặc ít nhất là tạo đáy với “ngày lấy đà” để chuẩn bị cho một sự tăng trưởng tiếp theo.

Bước 4: Xây dựng chiến lược thoát hiểm

Chiến lược CANSLIM khuyến khích nhà đầu tư nên bán cổ phiếu khi nó đạt sự tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 25%. Sau đó, sử dụng gốc và lãi để đầu tư vào cổ phiếu khác ở thời điểm thích hợp. Điều này giúp nhà đầu tư tránh được những rủi ro xảy ra vào thời điểm thoái trào sau khi đạt đỉnh của các cổ phiếu. 

Ngoài việc tìm hiểu và áp dụng các phương pháp đầu tư mang tính khoa học như CANSLIM, nhà đầu tư cần dựa vào một số yếu tố định tính khác như kinh nghiệm, dự báo, tâm lý, ...để đưa ra những quyết định giao dịch phù hợp nhất.
Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan đến phương pháp lọc cổ phiếu CANSLIM. Hy vọng thông qua bài viết hôm nay, ZaloPay đã giúp các bạn đã nắm rõ nguyên tắc cơ bản cũng như những ưu nhược điểm của phương pháp này. Từ đó, hãy áp dụng phương pháp đầu tư CANSLIM một cách linh hoạt và chọn lọc để đạt được hiệu quả cao các bạn nhé!

Tags:
#đầu_tư_tài_chính#học_đầu_tư_chứng_khoán#thị_trường_chứng_khoán

Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay

Tải Ví ZaloPay