Trường hợp nào nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ lương?
Ngày: 10:00 - 10/07/2024
Người lao động nghỉ hưu sớm thường sẽ bị trừ lương theo tỷ lệ lương hưu. Tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lương hưu sẽ bị trừ tỷ lệ 2%. Tuy nhiên, một số trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ lương. Đó là những trường hợp nào? Để có được câu trả lời chính xác nhất, bạn hãy theo dõi bài viết sau đây của Zalopay.
Người lao động có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi bao nhiêu?
Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường
Theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 18/11/2020 của Chính phủ và Điều 169, khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là:
Nam: 60 tuổi 6 tháng (đã có 20 đóng BHXH trở lên), sau đó mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.
Nữ: 55 tuổi 4 tháng (đã có 20 đóng BHXH trở lên), sau đó mỗi năm sẽ tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Thế nhưng, một số trường hợp đã có ít nhất 20 năm đóng BHXH có thể nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu đã được quy định ở trên. Cụ thể, những trường hợp sau được nghỉ hưu sớm ở thời điểm 55 tuổi 3 tháng với nam và 50 tuổi 4 tháng với nữ:
Người có 15 năm trở lên làm nghề và công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm có trong danh mục được ban hành bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Người làm việc từ 15 năm trở lên ở những vùng có điều kiện kinh tế và xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả những người đã từng làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực là 0.7 trở lên trước ngày 01/01/2021).
Người bị suy giảm khả năng lao động tỷ lệ 61% đến dưới 81%.
Đối tượng có thể nghỉ hưu trước 10 năm
Một số trường hợp khác, người lao động có thể nghỉ hưu sớm tối đa 10 tuổi, tức là 50 tuổi 3 tháng với nam và 45 tuổi 4 tháng với nữ nếu đã có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Đó là những trường hợp dưới đây:
Người làm công việc khai thác than trong các hầm lò ít nhất là 15 năm.
Người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Đối tượng không bị quy định giới hạn nghỉ hưu trước tuổi
Bên cạnh những đối tượng trên, nhóm đối tượng sau cũng không bị quy định giới hạn nghỉ hưu trước tuổi nếu đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc:
Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp, rủi ro khi đang thực hiện nhiệm vụ được giao.
Người suy giảm khả năng lao động từ 61% trở nên và đã có từ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm nằm trong danh mục được ban hành bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp nào nghỉ hưu sớm sẽ không bị trừ lương?
Trong điều kiện bình thường, nếu người lao động nghỉ hưu trước tuổi đã được quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Căn cứ vào Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) ban hành năm 2014, các trường hợp nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 2%/năm. Thế nhưng, cũng có một số trường hợp nghỉ hưu sớm và không bị trừ lương, cụ thể:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức
Theo Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm không bị trừ lương nếu thuộc 1 trong 5 trường hợp tinh giản biên chế sau:
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định và đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, đã có ít nhất 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục được ban hành bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hoặc, người đã có ít nhất 15 năm làm việc ở những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực là 0.7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu theo quy định và đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên. Nhóm đối tượng này sẽ được hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi tối thiểu thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thấp nhất theo quy định và đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, đã có ít nhất 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục được ban hành bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hoặc, người có ít nhất 15 năm làm việc ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực là 0.7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định và đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (riêng các nữ cán bộ, công chức cấp xã cần có ít nhất 15 năm đóng BHXH bắt buộc).
Đối tượng tinh giản biên chế là nữ cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định từ 2 - 5 tuổi có tử 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH.
Theo Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ lương nếu có đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội ban hành năm 2014. Các trường hợp đó bao gồm:
Người có ít nhất 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nằm trong danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và người có ít nhất 15 năm làm việc ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0.7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
Người có tuổi thấp thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định tối đa là 10 tuổi đã có ít nhất 15 năm làm công việc khai thác than trong các hầm lò.
Người gặp rủi ro, bị nhiễm HIV/AIDS khi đang làm nhiệm vụ được giao.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng dần theo từng năm, bắt đầu từ năm 2021. Theo đó, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động qua các năm cụ thể như sau:
Lao động nam
Lao động nữ
Năm nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu
Năm nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu
2021
60 tuổi 3 tháng
2021
55 tuổi 4 tháng
2022
60 tuổi 6 tháng
2022
55 tuổi 8 tháng
2023
60 tuổi 9 tháng
2023
56 tuổi
2024
61 tuổi
2024
56 tuổi 4 tháng
2025
61 tuổi 3 tháng
2025
56 tuổi 8 tháng
2026
61 tuổi 6 tháng
2026
57 tuôi
2027
61 tuổi 9 tháng
2027
57 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi
62 tuổi
2028
57 tuổi 8 tháng
2029
58 tuổi
2030
58 tuổi 4 tháng
2031
58 tuổi 8 tháng
2032
59 tuổi
2033
59 tuổi 4 tháng
2034
59 tuổi 8 tháng
Từ năm 2035 trở đi
60 tuổi
Công thức tính lương nghỉ hưu trước tuổi
Dựa vào khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính theo công thức sau:
Mức lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức trung bình tiền lương tháng đóng BHXH
Tuy nhiên, với người lao động nghỉ hưu trước tuổi, lương hưu hàng tháng sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 2%/năm (ngoại trừ 5 nhóm được nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ lương). Công thức tính lương hưu cho người lao động nghỉ hưu sớm như sau:
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng - (Số năm nghỉ hưu trước tuổi x 2%) x Mức trung bình tiền lương tháng đóng BHXH
Theo công thức này, để tính chính xác tiền lương hưu hằng tháng mà người lao động nghỉ hưu sớm nhận được thì cần xác định được tỷ lệ hưởng lương hưu là bao nhiêu. Theo Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội ban hành năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động đã có ít nhất 20 năm đóng BHXH bắt buộc được tính như sau:
Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Mỗi năm đóng BHXH sau đó được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa là 75%.
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 về sau, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Mỗi năm sau đó đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 về sau, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Mỗi năm đóng BHXH sau đó được tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội ở lao động nam như sau:
Năm nghỉ hưu
Số năm đóng BHXH (tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng bằng 45%)
2018
16 năm
2019
17 năm
2020
18 năm
2021
19 năm
Từ năm 2022 trở đi
20 năm
Thủ tục hồ sơ giải quyết lương hưu
Lương hưu chỉ được giải quyết khi người lao động nghỉ hưu hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định tại Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, hồ sơ giải quyết lương hưu cho người lao động bao gồm:
Sổ bảo hiểm xã hội.
Quyết định nghỉ việc hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng chế độ hưu trí.
Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp (nếu có).
Với những người đóng BHXH tự nguyện hoặc người bảo lưu thời gian đóng BHXH kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù, hồ sơ giải quyết lương hưu bao gồm:
Sổ bảo hiểm xã hội.
Đơn đề nghị hưởng lương hưu.
Giấy ủy quyền giải quyết thủ tục lương hưu và nhận lương hưu nếu là người đang chấp hành hình phạt tù.
Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp nếu là người xuất cảnh trái phép.
Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích với người mất tích trở về.
Bài viết trên đã giúp bạn biết được độ tuổi nghỉ hưu sớm và những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ lương. Qua đó, bạn cũng đã biết cách để tính lương hưu cũng như những giấy tờ, thủ tục cần thiết để giải quyết lương hưu một cách nhanh chóng. Hy vọng, những thông tin này sẽ hữu ích với bạn và đừng quên theo dõi Zalopay mỗi ngày để cập nhật nhiều kiến thức mới nhất nhé!