TA trong chứng khoán là gì? Phân biệt TA và FA trong chứng khoán
Ngày: 15:30 - 13/12/2022
Trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư F0 khi bước vào thị trường cần nắm những thuật ngữ, chỉ số quan trọng và các chiến lược đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có thể tự xây dựng được cho mình một chiến lược đầu tư hiệu quả. Vậy thì TA trong chứng khoán là gì? TA và FA khác nhau ở đâu và cách vận dụng phương pháp này trong đầu tư chứng khoán như thế nào? Hãy cùng ZaloPay tìm hiểu qua bài viết sau.
TA (Technical Analysis) trong chứng khoán là gì?
TA (Technical Analysis) là phương thức phân tích kỹ thuật trong chứng khoán giúp nhà đầu tư dự đoán giá chứng khoán trong tương lai bằng cách sử dụng những dữ liệu, biểu đồ, đồ thị về giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ của chứng khoán. Từ đó, nhà đầu tư có thể dựa vào để đưa ra quyết định mua, bán hoặc giữ chứng khoán hợp lý.
Đặc điểm và vai trò của TA trong đầu tư
Đặc điểm của phân tích kỹ thuật (TA) trong đầu tư
Phân tích kỹ thuật số (TA) trong chứng khoán tập trung vào 2 yếu tố chính là giá và khối lượng giao dịch để đưa ra dự đoán về giá chứng khoán trong tương lai. Đây là phương thức phân tích giúp đánh giá trực quan về cung, cầu đối với một sản phẩm chứng khoán sẽ ảnh hưởng ra sao với giá của nó. Phương pháp phân tích này được sử dụng nhiều trong chiến lược đầu tư chứng khoán ngắn hạn.
Vai trò của phân tích kỹ thuật (TA) trong đầu tư
TA đóng vai trò quan trọng là công cụ trợ giúp đắc lực cho nhà đầu tư với 3 chức năng: dự đoán, xác nhận và báo động.
Công cụ dự đoán: dựa trên kết luận của phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư có thể dự đoán được giá trong tương lai.
Công cụ xác nhận: nhà đầu tư sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật kết hợp với phân tích cơ bản (FA) để đánh giá xu hướng giá trong tương lai. Từ đó nhà đầu tư sẽ đưa ra những dự đoán với độ chính xác cao hơn.
Công cụ cảnh báo: TA đóng vai trò cảnh báo sự phá vỡ các ngưỡng giá an toàn của một sản phẩm chứng khoán và thiết lập ngưỡng an toàn mới. Được cảnh báo về sự thay đổi của mức giá sẽ giúp cho nhà đầu tư đưa ra phản ứng kịp thời.
Ưu điểm và hạn chế của TA trong chứng khoán
Ưu điểm của phương thức phân tích TA trong chứng khoán:
Nắm được diễn biến giá trong tương lai: Bằng cách sử dụng dữ liệu trong quá khứ, TA sẽ đưa ra những dự đoán giá, giúp nhà đầu tư nắm được diễn biến giá trong tương lai.
Nhận biết được ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự: Dựa trên cung và cầu của chứng khoán, phương pháp phân tích kỹ thuật sẽ đưa ra dự đoán về khoảng giá di chuyển.
Xác định thời điểm giao dịch thích hợp: Bằng biểu đồ, đồ thị trực quan của TA, nhà đầu tư có thể nắm được thời điểm giao dịch thích hợp.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích kỹ thuật chứng khoán vẫn có những điểm hạn chế như:
Không thể xác định chính xác hoàn toàn: Phân tích kỹ thuật dựa vào những yếu tố trong lịch sử để xác định, tuy nhiên lịch sử không thể lặp lại chính xác trong tương lai. Trên thực tế, dự đoán của TA có thể bị sai sót nặng do một nhóm giao dịch tạo tín hiệu ảo.
Khá khó với người mới đầu tư chứng khoán: Phân tích kỹ thuật có nhiều trường phái và phương pháp khác nhau như: Đồ thị nến Nhật (Candlestick Charting), mô hình đảo chiều (Reversal), nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory) và mô hình tiếp tục (continues), lý thuyết Dow (Dow Theory),...
Không hoàn toàn khách quan: Mặc dù phân tích kỹ thuật dựa trên số liệu nhưng kết quả phân tích vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, ý kiến của nhà đầu tư khi phân tích biểu đồ. Kết quả phân tích sẽ bị ảnh hưởng theo xu hướng nhà đầu tư lựa chọn tăng hoặc giảm của thị trường.
Các trường phái TA thường gặp
Hiện nay, có nhiều trường phái và phương pháp phân tích kỹ thuật chứng khoán được nhà đầu tư sử dụng, dưới đây là một số trường phái phổ biến được sử dụng:
Đồ thị nến Nhật (Japanese Candlestick Charting) là phương pháp phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư dự đoán hướng đi của thị trường và được các nhà đầu tư sử dụng khá nhiều. Mỗi cây nến sẽ gồm phần thân nến biểu diễn mức giá đóng, mở cửa và phần bóng nến biểu thị mức giá cao nhất và thấp nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Đồ thị nến Nhật sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn so với dạng biểu đồ đường thẳng thông thường nên được nhiều nhà đầu tư sử dụng.
Nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory) là phương pháp được sử dụng với mục đích phân tích chu kỳ của thị trường và dự báo xu hướng của thị trường chứng khoán bằng cách xác định tâm lý của nhà đầu tư, mức giá và các yếu tố tập thể.
Lý thuyết Dow (Dow Theory) đưa ra dự đoán hướng đi của thị trường dựa trên phân tích mức cao và thấp của biến động thị trường.
Đường xu hướng (Trendline Charting) giúp nhà đầu tư nắm được hướng di chuyển của giá đơn giản, rõ ràng dựa trên một đường thẳng thể hiện hướng đi của giá.
Ngoài ra, phân tích kỹ thuật (TA) còn có một số phương pháp và trường phái mà bạn có thể tham khảo như:
Dãy số fibonacci (Fibonacci Series)
Hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator)
Ứng dụng điểm Pivot (Pivot Point),
Phương pháp đầu tư CANSLIM của ông William O’Neil
Phương pháp phân tích của Wyckoff (Wyckoff Analysis)
Lý thuyết hiện tượng Delta (Delta Phenomenon).
So sánh FA và TA trong chứng khoán
Hai phương pháp TA và FA được nhà đầu tư sử dụng để phân tích thị trường chứng khoán với những đặc điểm, phương pháp khác nhau.
Phân tích kỹ thuật TA
Phân tích cơ bản FA
Định nghĩa
Là phương pháp dự đoán biến động giá qua khối lượng giao dịch và mô hình giá cả
Là phương pháp đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp để đưa ra nhận định chứng khoán của công ty đang dưới hay trên giá trị hiện hành
Dữ liệu
Biểu đồ; Giá; Khối lượng giao dịch
Điều kiện ngành; Tình trạng tài chính của công ty; thu nhập, chi phí, tài sản và nợ phải trả,…
Phương pháp phân tích
Phân tích dựa vào tính toán và các chỉ số (RSI, MACD, Oscillator,...), phân tích dựa vào hành động giá của thị trường
Phân tích kinh tế vĩ mô; Phân tích ngành; Phân tích công ty
Kết quả
Dự đoán giá chứng khoán trong tương lai
Dự đoán giá chứng khoán trong tương lai
Hai phương thức phân tích trên luôn có sự gắn kết và là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư. Để thực sự đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, nhà đầu tư nên sử dụng cả hai phương thức phân tích kỹ thuật và căn bản.
Qua bài viết trên, ZaloPay hy vọng rằng bạn đã nắm được kiến thức cơ bản về khái niệm Technical Analysis là gì? Phân biệt được TA và FA cùng cách sử dụng cụ thể về phương thức phân tích kỹ thuật này, bạn nhé!