Blog
icon_tin-tucBlog
angle_down
Tất cả
Mua sắm
Ăn uống
Bí kíp
Thanh toán tiện ích
Chơi game
Giải trí
Du lịch/Vận chuyển
Chuyển tiền
Lì xì
Tài chính
Đầu tư

Tự do tài chính là gì? Mẹo giúp người trẻ sớm đạt được tự do tài chính

Tự do tài chính là mục tiêu chung của nhiều người muốn hướng đến, đặc biệt là các bạn trẻ trong thời đại ngày nay. Con đường để đạt được tự do tài chính là hành trình dài với nhiều yếu tố chi phối khác nhau. Vậy tự do tài chính là gì? Làm thế nào để đạt được tự do tài chính? Hãy cùng ZaloPay tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây!

Tự do tài chính là gì?

Về mặt khái niệm, tự do tài chính thực chất là trạng thái “đủ” về mặt tiền bạc, tài sản để phục vụ cho hoạt động sinh hoạt, giải trí, sở thích của mỗi người, đồng thời trạng thái này giúp bạn có thể đưa ra các quyết định mà không bị chi phối bởi tài chính. 

Nói một cách dễ hiểu, tự do tài chính là trạng thái rũ bỏ nỗi lo về tiền bạc. Bạn có thể sống một cuộc sống hoàn toàn thoải mái mà không có các gánh nặng về tài chính. Tự do tài chính không phụ thuộc vào công việc hay độ tuổi của bạn mà nó phụ thuộc vào năng lực tài chính và khả năng làm chủ tài chính. Nguyên tắc cốt lõi và cơ bản đầu tiên để đạt đến ngưỡng tự do tài chính là nguồn thu nhập phải lớn hơn khoản chi tiêu.

Tự do tài chính là gì?
Nguồn: Timo.vn

7 cấp độ tự do tài chính

Hiện nay, tự do tài chính được chia thành 7 cấp độ như sau:

Cấp độ 1: Rõ ràng

Đây là cấp độ thấp nhất, yêu cầu bạn hiểu rõ về năng lực tài chính của bản thân mình. Cụ thể, bạn phải biết bản thân kiếm được bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, mục tiêu tài chính đặt ra là gì,...

Cấp độ 2: Tự túc

Ở cấp độ này, bạn phải đảm bảo có đủ chi phí đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản hàng ngày từ nguồn tài chính của bản thân, mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào khác từ bên ngoài. Đây là giai đoạn bạn bắt đầu tự bước đi trên “đôi chân” của mình về mặt tiền bạc.

Cấp độ 3: Thoải mái

Thực tế cho thấy người kiếm được nhiều tiền chưa hẳn là người có thể tiết kiệm được tiền. Giai đoạn “Thoải mái” là trạng thái mà bạn đã tiết kiệm được một khoản nhất định để đề phòng những trước hợp khẩn cấp có thể xảy ra trong cuộc sống hoặc để dành cho những mục tiêu đầu tư ở tương lai.

Cấp độ 4: Ổn định

Để đạt đến cấp độ này, bạn phải tích lũy được một khoản tiền bằng 6 tháng sinh hoạt phí của mình. Đây là trạng thái tài chính cho phép bạn không bị lung lay trước những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra.

Cấp độ 5: Linh hoạt

Nếu tiết kiệm được một khoản tiền bằng 2 năm sinh hoạt phí của mình thì bạn đã đạt đến cấp độ 5 của tự do tài chính. Số tiền này bao gồm cả tiền mặt, tiền tiết kiệm và các khoản đang đầu tư, miễn là chúng có thể sử dụng được khi cần. Một người đạt đến cấp độ 5 của tự do tài chính thì có thể nghỉ công việc nhàm chán của mình mà không cần quá băn khoăn, lo lắng.

Cấp độ 6: Độc lập tài chính

Đến cấp độ này, bạn cần phải thay đổi tư duy để thoát khỏi khuôn mẫu tài chính kiểu truyền thống. Cụ thể, phần lớn nguồn tài chính cần được dùng để đầu tư nhằm mang lại thu nhập thụ động ổn định. Lĩnh vực đầu tư được lựa chọn sao cho phù hợp nhất với nguồn tài chính của bạn.

Cấp độ 7: Của cải dồi dào

Nếu như ở cấp độ 6, bạn vẫn còn băn khoăn, cân nhắc về lĩnh vực cần đầu tư thì ở cấp độ 7 những lo lắng này không còn cần thiết nữa. Tài chính của bạn đã ở mức đảm bảo được một cuộc sống hoàn toàn thoải mái và các quyết định được đưa ra không còn bị ràng buộc bởi chuyện tiền bạc.

7 cấp độ tự do tài chính

Để tự do tài chính cần bao nhiêu tiền?

Trên thực tế, không hề có một con số chung về tự do tài chính nào cho tất cả mọi người. Tùy thuộc vào nhu cầu, đời sống của mỗi cá nhân mà ngưỡng tự do tài chính cho mỗi người là khác nhau. Có người có mức sống rất cao, nhưng cũng có người sống tối giản không chi tiêu nhiều. Do đó, để xác định được mức tự do tài chính bạn cần căn cứ vào nhu cầu cá nhân, mức thu nhập và mục tiêu tài chính của mình. Tuy nhiên, có một công thức chung được nhiều người áp dụng để xác định ngưỡng tự do tài chính là: 

Số tiền cần để đạt tự do tài chính = chi phí chi tiêu trong 1 năm x 25. 

Nguyên tắc để đạt được tự do tài chính

Tăng nguồn thu nhập

Như đã đề cập ở đầu bài viết, nguyên tắc đầu tiên và cốt lõi của tự do tài chính là nguồn thu phải lớn hơn chi. Như vậy, bạn cần phải tập trung vào việc làm dồi dào thêm thu nhập của mình để đảm bảo được mức sống và không giới hạn các quyết định chi tiêu của bản thân. 

Để đạt được điều này, bạn cần chăm chỉ làm việc để nâng cao hiệu suất, nâng cao mức lương và đa dạng nguồn thu nhập của mình. Thay vì chỉ dựa vào thu nhập chủ động, bạn có thể mở rộng ra các nguồn thu nhập thụ động khác. 

Giảm nhu cầu vật chất

Nhu cầu về vật chất luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong khoản chi tiêu của con người. Nếu kiểm soát và tối giản nhu cầu vật chất về mức hợp lý, bạn sẽ gia tăng khoản tiền tích lũy từ đó rút ngắn khoảng cách đạt đến ngưỡng tự do tài chính. Ngược lại, nếu chi tiêu vào vật chất một cách lãng phí, đặc biệt là việc chạy theo các món đồ xa xỉ thì tài chính của bạn rất dễ rơi vào cảnh thâm hụt, thiếu thốn. Do đó, người muốn đạt tự do tài chính cần có cái nhìn đúng đắn trong việc xác định nhu cầu vật chất của mình.

Quy tắc 4%

Nói một cách dễ hiểu, quy tắc 4% khuyến khích mỗi người nên trích tối đa 4% mỗi năm trên tổng số tiền mình có để chi tiêu. Tuy nhiên, nhược điểm của nguyên tắc này là bị phụ thuộc vào tình hình lạm phát. Do đó, thay vì để tiền nhàn rỗi, mất giá và rút 4% mỗi năm phục vụ chi tiêu, bạn nên dùng số tiền mình đó để đầu tư với mức lãi suất trên 4%/năm. Như vậy khi áp dụng nguyên tắc 4%, tổng số tài sản của bạn vẫn luôn được bảo toàn.

Tích lũy tiền bạc

Tích lũy tiền bạc là yếu tố quan trọng bậc nhất trong hành trình đi đến ngưỡng tự do tài chính. Chỉ khi có khoản tích lũy đủ lớn bạn mới đương đầu được với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra hoặc đảm bảo chi tiêu khi không làm việc trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, tích lũy và tiết kiệm thể hiện khả năng làm chủ tài chính của bạn. Nếu không tích lũy thì không bao giờ đạt được sự tự do về tiền bạc.

Để đạt được tự do tài chính, bạn có thể tham khảo 9 bước như sau:

Bước 1: Hiểu vị thế tài chính của bản thân

Để đạt được tự do tài chính, trước hết bạn cần hiểu rõ vị thế của mình trên bản đồ kinh tế cá nhân. Đây là bước đi đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Bạn phải nắm rõ nhu cầu chi tiêu, thu nhập cũng như các nguồn vay để hoạch định ra được con đường tài chính phù hợp với mình.

Bước 2: Lập ra mục tiêu cho bản thân

Mục tiêu chính là kim chỉ nam cho toàn bộ hành trình đi đến tự do tài chính của bạn. Các mục tiêu được đặt ra phải có tính cụ thể, rõ ràng, phù hợp và đo lường được. Bạn có thể tham khảo phương pháp SMART, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc xác định mục tiêu.

9 bước giúp đạt được tự do tài chính chi tiết

Bước 3: Theo dõi chi tiêu

Trong hành trình đi đến tự do tài chính, bạn phải có trách nhiệm với đồng tiền mà mình sở hữu. Điều này được thực hiện thông qua việc lập ngân sách, ghi chép, theo dõi các khoản thu, chi và tổng kết vào mỗi cuối tháng. Dựa vào đó bạn sẽ nhận ra được những khoản chi nào là không cần thiết và có thể cắt giảm, từ đó cân bằng hơn tài chính hàng tháng của mình.

Bước 4: Trả tiền cho bản thân đầu tiên

Trả tiền cho bản thân có nghĩa là bạn sẽ trích ra một khoản nhất định để lập quỹ dự phòng cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra với chính mình. Điều này cần được triển khai trước khi bạn thực hiện các hoạt động chi tiêu khác, nhờ vậy bạn có thể hạn chế tình trạng “vung tay quá trán” tiêu hết toàn bộ số tiền mình có.

Bước 5: Chi tiêu ít hơn một cách có lý trí

Có nhiều quan niệm cho rằng, sống tiết kiệm đồng nghĩa với sống tằn tiện, cực khổ. Tuy nhiên suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Trong thực tế có nhiều khoản chi tiêu bạn có thể tối giản mà không làm thay đổi chất lượng cuộc sống của mình. Ví dụ: nấu ăn tại nhà thay cho việc ăn ở nhà hàng, sử dụng đồ có chất lượng cao và lâu bền thay vì liên tục mua các sản phẩm chất lượng thấp, thời hạn dùng ngắn,... Nhờ những nhận thức này, bạn có thể cắt giảm nhu cầu chi tiêu và tăng lượng tài chính tích lũy.

Bước 6: Trả các khoản nợ

Việc thanh toán các khoản nợ không chỉ giúp bạn tạo nên một lịch sử tín dụng tốt mà còn là cơ sở cho việc tạo ra dòng tiền dồi dào hơn trong tương lai. Bạn có thể lựa chọn phương thức thanh toán nợ từ khoản nhỏ đến khoản lớn hoặc bắt đầu từ khoản có lãi suất cao nhất.

Bước 7: Luôn giữ suy nghĩ cầu tiến trong sự nghiệp

Sự thăng tiến trong công việc chính là con đường giúp cải thiện nguồn thu nhập. Vì vậy bạn cần giữ cho mình một ý chí cầu tiến, sự chăm chỉ, miệt mài để hướng đến những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp của mình.

Bước 8: Tạo thêm nguồn thu nhập

Việc đa dạng nguồn thu nhập không chỉ giúp bạn gia tăng tài chính mà còn làm giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một nguồn thu nhất định. Các chuyên gia khuyến khích rằng, bạn nên có ít nhất 5 nguồn thu nhập khác nhau nếu muốn tự do tài chính. Đây có thể là nguồn thu nhập chủ động hoặc thụ động. 

Thu nhập chủ động là số tiền bạn làm ra dựa trên sức lao động ở thời gian thực. Nguồn thu nhập này bị hạn chế bởi mỗi người đều có quỹ thời gian 24 giờ/ngày giống nhau. Mặt khác, thu nhập thụ động là khi bạn chỉ thực hiện công việc đó 1 lần nhưng số tiền thu vào vẫn tiếp tục vận động trong tài khoản. Hiện nay, có một số công việc tạo ra nguồn thu nhập thụ động phổ biến như: làm youtube, tiktok, bán tài liệu online,...

Bước 9: Đầu tư

Đầu tư là bước không thể thiếu trong quá trình đi đến tự do tài chính. Việc đầu tư giúp bạn gia tăng nguồn thu nhập một cách nhanh chóng. Quá trình đầu tư hiệu quả sẽ khiến cho thu nhập của bạn tốt dần qua từng năm, đặc biệt là khi bạn biết tận dụng sức mạnh của “lãi kép” trong đầu tư.

5 cách tạo nên nguồn thu nhập thụ động

Đầu tư quỹ mở

Đây là hình thức đầu tư thông qua quỹ mở. Trong đó người tham gia sẽ góp vốn thông qua việc mua chứng chỉ quỹ. Nhà quản lý quỹ sẽ dùng số tiền này để đầu tư vào các hạng mục tiềm năng nhằm thu về lợi nhuận sau đó chia lại cho người tham gia. 

Đây là hình thức đầu tư có độ an toàn và ổn định tương đối cao mà không đòi hỏi người tham gia phải quá am hiểu về các lĩnh vực như chứng khoán, tài chính,... Do đó, đầu tư quỹ mở rất phù hợp với đối tượng  mới bắt đầu tham gia đầu tư.

Đầu tư bất động sản

Đầu tư bất động sản là hình thức đầu tư có thể mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi chủ đầu tư phải có số tiền nhàn rỗi lớn. Bạn có thể tham gia dưới các hình thức như chuyển nhượng, đầu cơ, lướt sóng,...

Đầu tư cổ phiếu, chứng khoán

Chứng khoán vốn là kênh đầu tư sôi động và được nhiều người lựa chọn. Hình thức này giúp tạo ra nguồn thu nhập thụ động tốt nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải có kiến thức và am hiểu trong lĩnh vực này, nếu không bạn rất dễ rơi vào tình trạng thua lỗ.

Đầu tư kinh doanh

Việc đầu tư bằng cách kinh doanh cũng là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là những người có ý tưởng và đam mê làm ăn. Nếu mô hình kinh doanh thuận lợi, nguồn thu nhập của bạn sẽ gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bạn phải lựa chọn và có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, cụ thể, phù hợp để giảm thiểu rủi ro.

Đầu tư vàng

Vàng là kênh đầu tư dành cho những ai muốn đầu tư lâu dài và đề cao tính an toàn. Hình thức này đòi hỏi phải mất một quãng thời gian lớn để tạo ra nguồn lợi nhuận, nhưng ít nhất vàng có khả năng chống lạm phát khi không thường xuyên mất giá như đồng tiền.

Nghỉ hưu sớm là gì? Giới trẻ nên có định hướng nghỉ hưu sớm không?

Xu hướng nghỉ hưu sớm là gì?

Nghỉ hưu sớm là xu hướng được nhiều người nhắc đến trong thời đại ngày nay. Đây thực chất là trạng thái đạt đến tự do tài chính và nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu lao động thông thường. 

Nghỉ hưu sớm là cách con người rũ bỏ những áp lực công việc hay các mối quan hệ đồng nghiệp ràng buộc khác. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến hơn ở giới trẻ bởi môi trường làm việc khắc nghiệt và cảm giác bị bó buộc, vắt kiệt sức. Nghỉ hưu sớm thường có các đặc điểm như:

  • Độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là từ 55 - 60 tuổi trong khi đó người trẻ có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn, thường là từ 40 - 45 tuổi.
  • Người nghỉ hưu sớm phải sở hữu một nguồn tích lũy đủ lớn hoặc có trong tay các khoản thu nhập thụ động giúp phục vụ nhu cầu cuộc sống của họ.
  • Nghỉ hưu sớm giúp bạn có khoảng thời gian tự do cho sở thích hay đam mê của cá nhân mình. Lúc này các quyết định không bị tiền bạc chi phối, do đó bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống.

Thời điểm nào nên nghỉ hưu sớm?

Mỗi người sẽ có một thời điểm phù hợp riêng để đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm. Điều này được căn cứ vào khả năng tự do tài chính và mục tiêu cá nhân của bạn. Một người chỉ nên quyết định nghỉ hưu sớm khi:

  • Có khoản tích lũy nhất định, đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu sống của cá nhân
  • Có nguồn thu thụ động ổn định
  • Có kế hoạch rõ ràng cho tương lai, tránh việc lãng phí thời gian vì nó dễ đem lại cho bạn cảm giác mất phương hướng
  • Có tâm lý ổn định, vững vàng, xác định đúng mong muốn của bản thân, tránh chạy theo xu hướng nghỉ hưu sớm của đám đông

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết 

Hiếu Nguyễn

Đây là kênh podcast được sáng lập bởi anh Nguyễn Ngọc Hiếu - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp lớn, trong đó bao gồm cả vị trí chuyên gia tư vấn cho chính phủ Úc. Hiện tại anh đã nghỉ hưu sau 20 năm làm việc và lựa chọn làm podcast để chia sẻ các triết lý về công việc, cuộc sống. Trong số đó, những chủ đề như: cách sống tối giản, tự do tài chính, th,... nhận được đông đảo sự ủng hộ và quan tâm từ mọi người.

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết : Hiếu Nguyễn
Kênh podcast Hiếu Nguyễn luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các bạn trẻ

The Present Writer

Người sáng lập kênh podcast The Present Writer là chị Chi Nguyễn, hiện đang là tiến sĩ giáo dục tại một trường công lập tại Mỹ. Đây cũng chính là tác giả của cuốn sách “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đã được xuất bản tại Việt Nam và nhận về nhiều sự quan tâm từ công chúng. Kênh podcast tập trung chia sẻ các chủ đề về lối sống tối giản, cách quản lý tài chính, phát triển bản thân và đặc biệt là những góc nhìn khác nhau về trào lưu tự do tài chính - nghỉ hưu sớm trong giới trẻ hiện nay. 

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết : The Present Writer
Kênh The Present Writer do Chi Nguyễn thành lập

Tun Cảm Ơn

Tun Phạm là gương mặt khá quen thuộc với nhiều bạn trẻ hiện nay. Kênh podcast do Tun Phạm mở ra với mục đích chia sẻ những trải nghiệm, cách vượt qua nỗi sợ hãi, cách quản lý tài chính và hoạch định cuộc sống. Với chất giọng gần gũi, ấm áp, câu chuyện lựa chọn để chia sẻ mang tính thực tế, dễ hiểu, kênh podcast Tun Cảm Ơn dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ.

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết : Tun Cảm Ơn
Kênh podcast Tun Cảm Ơn

Nguyễn Hữu Trí

Nguyễn Hữu Trí là người sáng lập nên Học viện kỹ năng Awake your power, đồng thời là diễn giả quen thuộc với nhiều bạn trẻ tại Việt Nam. Bằng sự tự tin, sôi nổi và phóng khoáng vốn có, Nguyễn Hữu Trí đã truyền tải những bài học đầy nhiệt huyết về phong cách sống và triết lý làm việc thông qua kênh podcast của mình. Một số tập tiêu biểu có thể kể đến như: Thoát khỏi vùng an toàn, Làm gì khi bạn sinh ra là một người trung bình, Nguyên tắc phòng thủ củng cố sự nghiệp,...

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết : Nguyễn Hữu Trí
Nguyễn Hữu Trí là diễn giả quen thuộc với nhiều bạn trẻ tại Việt Nam

Web5ngay

Web5ngay là kênh podcast sở hữu lượt đăng ký và tương tác rất lớn. Kênh này tập trung khai thác nhiều chủ đề khác nhau về tài chính - kinh doanh như: cách kinh doanh online, cách marketing hiệu quả, cách tìm nguồn hàng, các bài học trong kinh doanh,... Bên cạnh đó, kênh cũng chia sẻ những kỹ năng hữu ích cho dân công sở như: cách quản lý thời gian, cách đọc sách, cách chữa bệnh lười,... Web5ngay luôn gây ấn tượng với người nghe bởi lối dẫn sâu sắc nhưng không kém phần hài hước, gần gũi.

Những kênh podcast hay về tự do tài chính mà bạn nên biết : Web5ngay
Kênh podcast Web5ngay

Hy vọng rằng bài chia sẻ của ZaloPay đã giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng tự do tài chính đang phổ biến hiện nay. Đây là hành trình mà không phải ai cũng dễ dàng đạt được, do đó bạn cần thấu hiểu bản chất, nắm rõ các nguyên lý và cách đạt đến tự do tài chính để vạch ra cho mình kế hoạch phù hợp nhất. 

Tags:
#kinh_te_thi_truong#thuat_ngu_kinh_te#thị_trường_chứng_khoán#học_đầu_tư_chứng_khoán#thong_tin_tai_chinh#đầu_tư_tài_chính

Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay

Tải Ví ZaloPay