FUD là từ viết tắt của Fear – Uncertainty – Doubt, dùng để chỉ tâm lý sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ của nhà đầu tư trong quá trình tham gia vào thị trường tài chính. Khi dính FUD, nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo lắng, thấp thỏm, không yên tâm,... nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, gây tổn thất cho tài khoản của mình. FUD thường sẽ dẫn tới các đợt bán tháo sau đó.
Hiệu ứng tâm lý FUD không phải được hình thành một cách tự nhiên, mà là một chiến thuật cạnh tranh bằng cách truyền bá các thông tin tiêu cực, dễ gây hiểu nhầm hoặc sai sự thật nhằm mục đích gây hoang mang và sợ hãi, khiến đối tượng đưa ra các quyết định sai lầm, mang lại lợi ích cho người tung tin phía sau.
Ngoài lĩnh vực đầu tư tài chính, chiến thuật thao túng tâm lý này còn được sử dụng trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống như chính trị, kinh doanh, marketing,...
FUD được xem là một chiến thuật tung hỏa mù của các FUDer (người gây ra tâm lý hoang mang) hay KOLs (người có tầm ảnh hưởng) nhằm mục đích trục lợi. Họ là những cá nhân/tổ chức có tầm ảnh hưởng trong giới đầu tư. Cụ thể, họ có khả năng nắm quyền kiểm soát hoặc có sức ảnh hưởng lớn trong giới truyền thông. Thông qua đó, họ tác động đến nhiều nhà đầu tư nhất có thể. Một số nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn tài chính cũng tham gia tạo FUD bằng cách lập ra các cộng đồng riêng, dự đoán thị trường và đọc (phím) lệnh
Với đội ngũ của mình, FUDer sẽ tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư khác bằng cách cố tình lan truyền những tin tức giả ra cộng đồng để gieo rắc nỗi sợ hãi, hoang mang cho đám đông. Từ đó, khiến các nhà đầu tư mất đi sự sáng suốt và dễ đưa ra các quyết định thiếu chính xác. Nhờ vậy, FUDer sẽ là người được hưởng lợi sau cùng.
Khi FUD được tung ra, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người thiếu kinh nghiệm hoặc những người đầu tư theo tin tức, sẽ rơi vào tình trạng tâm lý hoang mang, sợ hãi, không ổn định, từ đó dễ có những hành động sai lầm như mua bán không có kế hoạch, hùa theo đám đông bán tháo một cách thiếu lý trí. Khi đó, các FUDer/KOLs sẽ thực hiện hành động ngược lại là mua gom mạnh.
Hội chứng tâm lý FUD thường khiến những nhà đầu tư "non tay" phạm phải sai lầm "bán đáy". Những trường hợp này thường xảy ra ở những công ty/dự án mới có giá chứng khoán/giá coin nhỏ, dễ thao túng hay nói cách khác là "dễ lái".
Lòng tham và sự sợ hãi là 2 thứ có khả năng chi phối tâm lý con người nhất. Hiểu rõ điều đó, các tổ chức, cá nhân này sẽ sử dụng hội chứng FUD như một chiến thuật tinh vi để thao túng thị trường. Khi muốn hạ giá thị trường, bọn chúng sẽ tung ra các tin tức tiêu cực, gieo rắc nỗi nghi ngờ vào giá trị cổ phiếu hoặc đồng coin mà các đối tượng mục tiêu đang nắm giữ thông qua chiến lược truyền thông. Điều đó dẫn tới các đợt bán tháo khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Khi muốn đẩy giá thị trường lên, họ sẽ tung ra các tin tức tích cực, mời chào các đối tượng mục tiêu vào hội nhóm của mình, tham gia những buổi hội thảo, vẽ ra những công nghệ mới hay những kênh đầu tư tiềm năng. Sau đó để các "chim mồi" của mình chen nhau mua hàng, dẫn dắt các mục tiêu mua vào (FOMO) sau đó đẩy giá lên để kích thích nuôi lớn sự tham lam của họ. Đến khi thị trường đạt trạng thái tích cực nhất, các cá mập sẽ bắt đầu xả hàng chốt lời.
Thông thường, những người bị mắc chứng FUD là những người ít có kinh nghiệm giao dịch hoặc những người thiếu kiến thức về lĩnh vực này.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị hội chứng FUD thao túng:
Khi thị trường tiền điện tử trở nên nóng sốt. Mỗi ngày, các nhà đầu tư đều có thể thấy nhiều loại tiền mã hóa tăng chóng mặt, thậm chí là "dựng đứng" chỉ trong vài ngày, hoặc vài giờ. Những thông tin này được lan truyền khắp mạnh xã hội (facebook, twitter,...) thậm chí ngay cả trong thực tế, bạn có thể bắt gặp người khác bàn tán về tiền điện tử khắp nơi. Điều đó kích thích sự tham lam, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của nhiều người khiến họ dễ dàng đặt lệnh mua vào mà không thông qua phân tích kỹ càng.
Lúc này, chỉ cần đẩy một vài thông tin giả, thì nhóm nhà đầu tư này ngay lập tức sẽ chạy theo. Nhờ đó mà các “cá mập” (những cá nhân và tổ chức đứng sau FUD) đạt được mục đích của mình.
Trong chứng khoán, FUD có thể bắt đầu từ một tin tức tiêu cực trên mạng xã hội về tập đoàn, doanh nghiệp mà bạn đang sở hữu cổ phiếu. Khi đó, các nhà đầu tư ít kinh nghiệm sẽ rơi vào trạng thái hoang mang và có xu hướng bán tháo cổ phiếu mình đang sở hữu, tạo điều kiện cho các mập mua lại số lượng lớn với giá rẻ.
Ví dụ: Sự kiện của ngân hàng EIB. Khi thông tin tiêu cực lan truyền, các nhà đầu tư vội vàng bán tháo cổ phiếu, đến nỗi hiện tượng "trắng bên mua" diễn ra nhiều ngày và giá giảm mạnh từ cuối tháng 10/2022 cho đến tháng 11/2022 mới có dấu hiệu phục hồi và tăng trở lại. Đó chính là dấu hiệu của FUD.
FUD là một hội chứng tâm lý thường gặp ở các nhà đầu tư mới chưa nhiều kinh nghiệm giao dịch. Để tránh FUD và không để tiền mình rơi vào tay kẻ khác, các bạn cần ghi nhớ những nguyên tắc sau:
Cũng với việc nhận diện FUD, hiểu rõ thị trường cũng sẽ giúp bạn giữ một tâm lý kiên định và vững vàng trong giao dịch. Tuy nhiên, đây là một trong những nguyên tắc có độ khó cao nhất, bởi ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng không dám khẳng định về mức độ hiểu biết của bản thân về thị trường.
Nhưng đối với một nhà đầu tư mới, bạn cần biết rằng: bất kể một thị trường đầu tư nào, dù ở khung giờ nào, cũng luôn tồn tại nhiều cơ hội để đầu tư. Vậy nên, khi thấy mã chứng khoán/đồng coin nào đang giảm mạnh hoặc tăng giá quá mức, hãy khoan vào lệnh, giữ cho mình ở "ngoài cuộc chơi" để chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường, và quyết định ra lệnh ở những vị thế an toàn hơn.
Việc xác định phong cách đầu tư của bản thân một cách rõ ràng, và chi tiết cũng là một nguyên tắc quan trọng đối với các trader.
Nó phản ánh quan điểm thói quen giao dịch thường xuyên của bạn. Sở hữu một phong cách nhất quán sẽ tốt hơn việc không có phong cách nào. Cụ thể, bạn nên xác định rõ ràng phong cách giao dịch dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn để ra quyết định trong khi thị thường bị ảnh hưởng bởi FUD.
Nếu bạn theo phong cách đầu tư chứng khoán ngắn hạn thì việc hành động theo các sóng FOMO sẽ giúp bạn có được lợi nhuận nhanh chóng. Ngược lại, các sóng gây ra bởi FUD sẽ mang lại những kết quả tiêu cực.
"Kiên trì là chìa khóa của thành công" quả đúng đối với giới đầu tư. Để có được thành công trong thị trường này đòi hỏi bạn phải kiên định và tin vào bản thân mình với một sự kiên trì không thể nào lay chuyển. Sự quyết tâm và ý chí của bạn chính là yếu tố then chốt quyết định thành bại của bạn trong thị trường này.
Một khi đã bước chân vào thế giới đầu tư, bạn phải xác lập mục tiêu phát triển dài hạn vững chắc và kiên trì với nó thì bạn mới có thể tồn tại đến cuối cùng.
Trước khi tham gia vào thị trường, bạn cần xác định điểm vào lệnh, điểm cắt lỗ stop loss, điểm bán ra chốt lời là bao nhiêu. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc quản trị giao dịch.
Nếu bạn đã lỡ FOMO và bị đu đỉnh rồi thì cũng đừng ngần ngại mà sửa sai kịp thời bằng việc dừng lỗ để bảo toàn vốn. Hãy nhớ rằng trong thị trường đầu tư, điều quan trọng nhất là bảo vệ vốn, bởi còn vốn là còn nhiều cơ hội.
Quản lý vốn tốt giúp bạn duy trì được một khoản lợi nhuận ổn định (thông thường là lợi nhuận từ việc đầu tư dài hạn và trung hạn) nhờ đó mà FUD không thể ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của bạn.
Có thể khẳng định, việc phân phối và quản trị vốn hiệu quả sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro do FUD gây ra.
Không phải tất cả những thông tin gây ra FUD đều là tin giả. Ví dụ như, một số thông tin khách quan có khả năng tác động xấu đến thị trường như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái, hồ sơ Pandora, Thiên nga đen,...
Chính vì vậy, bạn cần có kỹ năng lọc thông tin để biết đâu là thật, đâu là giả. Từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp.
Để khắc chế FUD, bạn có thể áp dụng chiến thuật đầu tư dài hạn. Cụ thể: Bạn sẽ nắm giữ một lượng cổ phiếu/coin nào đó trong một khoảng thời gian dài. Cho dù thị trường có biến động lên, xuống cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch nắm giữ của bạn.
Khi FUD xảy ra, bạn không vội vàng bán tháo như đám đông mà vẫn tiếp tục tuân theo kế hoạch dài hạn của mình. Điều đó giúp bạn thoát khỏi ảnh hưởng của FUD và nắm quyền chủ động trong cuộc chơi tài chính.
FUD và FOMO đều là những chiến thuật điều hướng tâm lý đám đông của cá nhân hay tổ chức nào đó. Chúng tạo nên những biến động trên thị trường tài chính nhằm mang giúp các nhân, tổ chức này thu về lợi nhuận.
Tuy nhiên, FUD và FOMO có hướng đi, cách làm và mục đích khác nhau. FOMO tạo ra nhằm khiến đám đông tin vào cổ phiếu, đồng coin,... có tiềm năng lớn, chỉ cần mua vào sẽ có lợi nhuận khủng. Mục đích của FOMO là đẩy giá.
Ngược lại, FUD gieo rắc nỗi sợ hãi, hoang mang, khiến các nhà đầu tư muốn bán tháo tài khoản của mình. Mục đích của FUD là hạ giá trị.
Thông qua FOMO và FUD, các cá nhân và tổ chức (cá mập) thao túng biến động giá trên thị trường, và trục lợi về mình.
Trên đây, chúng ta đã phân tích khá đầy đủ về FUD và những bí quyết để tránh hiệu ứng này trong giao dịch. Đây là một hội chứng tâm lý tiêu cực thường gặp phải khi tham gia thị trường tài chính. ZaloPay hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn, giúp bạn luôn giữ được sự sáng suốt và tỉnh táo trong quá trình đầu tư của mình.
Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay