Blog
icon_tin-tucBlog
angle_down
Tất cả
Mua sắm
Ăn uống
Bí kíp
Thanh toán tiện ích
Chơi game
Giải trí
Du lịch/Vận chuyển
Chuyển tiền
Lì xì
Tài chính
Đầu tư

Chỉ số ROE là gì?

ROE là gì? Tại sao ROE lại là một chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp cũng như phân tích được loại cổ phiếu nào đang có tiềm năng lớn nhất. Hãy cùng ZaloPay tìm hiểu ngay trong bài viết này.

ROE là gì? 

ROE (Return On Equity) gọi là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Đây là chỉ số thể hiện khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường coi trọng đến chỉ số này vì họ quan tâm đến khả năng thu được lợi nhuận với từng đồng vốn mà họ bỏ ra.

ROE (Return On Equity) gọi là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa của chỉ số ROE

Việc hiểu rõ ý nghĩa chỉ số ROE là gì có thể giúp nhà đầu tư nhận diện được những vấn đề sau:

  • Dựa vào chỉ số ROE, nhà đầu tư sẽ biết được liệu họ có nhận được cổ tức tốt từ số tiền đã góp thông qua hình thức sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp hay không. Trên thực tế, cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao, ROE cao thường thu hút các nhà đầu tư. Khi đó giá cổ phiếu cũng có xu hướng tăng và khả năng nhận được lợi nhuận đầu tư cũng tăng tương ứng. 
  • Nếu chỉ số ROE lớn hơn so với lãi vay ngân hàng, nghĩa là doanh nghiệp đang tạo ra doanh thu tốt từ tài sản đang có thì khả năng doanh nghiệp thanh toán và đảo vòng vốn sẽ ổn định hơn. Nếu chỉ số này nhỏ hơn lãi vay, nghĩa là lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh chỉ đủ để chi trả cho các khoản nợ. 
  • Nếu chỉ số ROE ổn định và tăng trưởng bền vững là dấu hiệu chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả, đồng vốn của cổ đông được sử dụng một cách đúng đắn. Hay nói cách khác, ROE sẽ cho bạn biết với mỗi đồng vốn bỏ ra ban đầu, mình sẽ nhận được bao nhiêu phần lợi nhuận. Ngược lại, nếu chỉ số ROE liên tục giảm thì nó có ý nghĩa là doanh nghiệp chưa phát huy tốt việc mang lại giá trị cho cổ đông. Lúc này, ban lãnh đạo cần xem xét thay đổi chiến lược phù hợp để gia tăng năng suất và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ số ROE bao nhiêu là tốt còn phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động hay ROE trung bình ngành. Do đó, nhà đầu tư thường tính toán và so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường để đánh giá lợi thế cạnh tranh của công ty so với những doanh nghiệp khác.

2 Cách xác định chỉ số ROE

Công thức tính chỉ số ROE qua báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp được công bố định kỳ theo quý và năm. Vậy nên, bạn có thể dễ dàng tính được chỉ số ROE với 3 bước đơn giản:

  • Bước 1: Xác định chỉ tiêu "lợi nhuận sau thuế", được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bảng báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất của tổng công ty Hàng Không Việt Nam 2018
Nguồn: vietstock.vn
  • Bước 2: Xác định chỉ tiêu "vốn chủ sở hữu bình quân", được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán. 
Bảng cân đối kế toán hợp nhất của tổng công ty Hàng Không Việt Nam 2018
Nguồn: vietstock.vn

→ Trong đó, vốn sở hữu bình quân được tính bằng công thức sau:

công thức tính vốn sở hữu bình quân
  • Bước 3: Thay số liệu và tính chỉ số ROE bằng công thức:
Cách tính chỉ số ROE

Trong đó, ROE được biểu thị bằng đơn vị (%)

Lấy chỉ số ROE qua nguồn dữ liệu có sẵn

Ngoài cách tự tính chỉ số ROE qua báo cáo tài chính, bạn cũng có thể tham khảo chỉ số ROE có sẵn tại nguồn dữ liệu của các công ty chứng khoán hoặc trên các website như Vietstock, CafeF,... Tuy nhiên, cách xác định này chỉ được thực hiện với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Bên cạnh ROE, các chỉ số tài chính khác như ROA, ROIC, EBIT,...đều được tính sẵn
Nguồn: wixstatic.com

Cách sử dụng chỉ số ROE vào đầu tư thực tế

Cách vận dụng chỉ số ROE vào đầu tư thực tế

Lựa chọn doanh nghiệp qua đặc điểm tăng trưởng của doanh nghiệp đó

Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khả năng sinh lợi của công ty.

Tốc độ tăng trưởng (g) = ROE x Tỷ lệ tái đầu tư

Hàng năm, doanh nghiệp sẽ trích ra một phần lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông. Lợi nhuận còn lại sẽ được tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ tái đầu tư (%) = (1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức)

Bằng cách lấy ROE nhân với tỷ lệ tái đầu tư, bạn dễ dàng tính được tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài ROE, nhà đầu tư nên kết hợp với những chỉ số khác như ROA, EPS, P/E,... để đưa ra quyết định đầu tư một cách khách quan.

Ví dụ:

Công ty A và B đều có chỉ số ROE = 10%. Trong đó, công ty A có tỷ lệ chi trả cổ tức hằng năm là 20%. Công ty B có tỷ lệ chi trả cổ tức là 40%. Khi đó:

Tốc độ tăng trưởng A = 10% x (1- 20%) = 8%

Tốc độ tăng trưởng B = 10% x (1- 40%) = 6%

Mặc dù mức chi trả cổ tức công ty A thấp hơn công ty B nhưng bạn vẫn có thể kỳ vọng doanh nghiệp A sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Nếu so sánh trong dài hạn, cổ phiếu A sẽ hấp dẫn hơn cổ phiếu B. Tuy nhiên, bạn cần phân tích thêm các tiêu chí khác để lựa chọn cổ phiếu ưng ý.

Đánh giá khả năng tạo giá trị cho cổ đông

Hiệu quả sử dụng vốn là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giá trị mà cổ đông nhận được. Thông thường, để đánh giá khả năng tạo giá trị cho cổ đông, nhà đầu tư sẽ so sánh chỉ số ROE với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng khi mua cổ phần công ty (chi phí sử dụng vốn cổ phần). Cụ thể, điều này được thể hiện theo cách sau:

  • Chỉ số ROE nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn cổ phần: Là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và ngày càng giảm sút so với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư. Đây là lúc bạn nên cân nhắc lại khoản đầu tư của mình vì nếu doanh nghiệp không có sự cải thiện nào trong tương lai thì bạn sẽ là người chịu rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp.
  • Chỉ số ROE lớn hơn chi phí sử dụng vốn cổ phần: Chứng tỏ công ty đang hoạt động rất tốt, biết cách tái đầu tư thu nhập và tạo giá trị cho cổ đông vượt quá sự kỳ vọng ban đầu.

Nhận diện doanh nghiệp về lợi thế cạnh tranh trong tương lai xa

Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về thương hiệu, công nghệ,...luôn thể hiện được ưu thế vượt trội của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, họ có thể dễ dàng đạt được các khoản lợi nhuận cao và chỉ số ROE cũng cao hơn so với trung bình ngành. Do vậy, việc đầu tư vào các doanh nghiệp xây dựng được lợi thế cạnh tranh bền vững là rất quan trọng.

Cách sử dụng chỉ số ROE vào đầu tư thực tế doanh nghiệp

Hạn chế của chỉ số ROE là gì?

Chỉ số ROE không ổn định nếu lợi nhuận bất thường

Sự thay đổi thất thường trong lợi nhuận công ty là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số ROE không ổn định. Đặc biệt, nếu chỉ số này thay đổi liên tục, ban lãnh đạo và nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra các quyết định.

Chỉ số ROE bị điều chỉnh bởi chính sách kế toán

Một số doanh nghiệp muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh hoặc thu hút vốn đầu tư có thể điều chỉnh các chính sách kế toán như tăng tuổi thọ dự án hay giảm tỷ lệ khấu hao,... Điều này làm ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng và chỉ số ROE của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong công thức tính ROE không đề cập đến các tài sản vô hình như: phát minh, bản quyền,... Như vậy sẽ làm cho phép tính bị sai lệch và không phản ánh đúng lợi thế của từng công ty.

Doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sẽ làm tăng chỉ số ROE

Chỉ số ROE hoàn toàn có thể bị can thiệp, làm cho sai lệch bởi việc thâu tóm cổ phiếu. Điều này có nghĩa là các công ty phát hành tự thu mua lượng cổ phiếu lưu hành của mình từ thị trường nhằm mục đích giảm vốn chủ sở hữu. Khi lợi nhuận sau thuế không đổi, vốn chủ sở hữu giảm thì khi đó chỉ số ROE sẽ tăng. Chỉ số ROE ảo này sẽ không đánh giá được năng lực thực tế của doanh nghiệp. Do vậy, nếu chỉ tập trung vào ROE để tìm kiếm cổ phiếu tốt thì nhà đầu tư rất dễ đưa ra những phân tích sai lầm.

ZaloPay hy vọng những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chỉ số ROE là gì và cách sử dụng chỉ số ROE vào đầu tư thực tế. Tuy nhiên, ROE chỉ là một chỉ số đánh giá tài chính của một doanh nghiệp dựa trên những số liệu đã được công bố. Do đó, để đánh giá triển vọng phát triển của một công ty, bạn cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác như: ROA, đòn bẩy tài chính,...để mang lại hiệu quả đầu tư tốt.

Tags:
#thị_trường_chứng_khoán#học_đầu_tư_chứng_khoán#đầu_tư_tài_chính

Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay

Tải Ví ZaloPay