Blog
icon_tin-tucBlog
angle_down
Tất cả
Mua sắm
Ăn uống
Bí kíp
Thanh toán tiện ích
Chơi game
Giải trí
Du lịch/Vận chuyển
Chuyển tiền
Lì xì
Tài chính
Đầu tư
Nhập môn chứng khoán

Cách đọc báo cáo tài chính chứng khoán dành cho người mới

Báo cáo tài chính là một yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán. Bởi vậy, kĩ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính là kỹ năng mà các F0 cần nắm vững trước khi bước chân vào thị trường. Ở bài viết dưới đây ZaloPay sẽ hướng dẫn bạn cách đọc báo cáo tài chính nhanh, chính xác nhất.

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính là tập hợp các thông tin về tình hình kinh doanh và luồng tiền của doanh nghiệp. Theo Pháp luật hiện hành, tất cả các công ty thuộc thành phần kinh tế đều phải lập báo cáo tài chính hằng năm. Riêng đối với doanh nghiệp có các đơn vị trực thuộc thì bên cạnh báo cáo tài chính năm còn cần có bản báo cáo tổng hợp vào cuối kỳ kế toán.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố: tài sản; nợ; dòng tiền; vốn; lợi nhuận;...và được công bố theo định kỳ quý, cuối năm.

Báo cáo tài chính là gì?

Các thành phần cấu thành một báo cáo tài chính hoàn chỉnh

Một bản báo cáo tài chính hoàn chỉnh phải bao gồm:

  • Báo cáo của Ban giám đốc doanh nghiệp. 
  • Báo cáo độc lập từ Công ty kiểm toán. 
  • Bảng cân đối kế toán.
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Thuyết minh báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính có vai trò như thế nào đối với nhà đầu tư

vai trò của báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư để đưa ra quyết định mua, bán,  thời gian và số lượng sở hữu cổ phiếu, trái phiếu. Nhà đầu tư sẽ nắm được tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, khả năng sử dụng nguồn vốn, hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời. Từ những yếu tố này nhà đầu tư có thể lựa chọn chiến lược đầu tư chứng khoán dài hạn hoặc ngắn hạn để tối đa hóa lợi nhuận. 

Hướng dẫn chi tiết cách đọc báo cáo tài chính

5 bước sau, bạn sẽ nắm rõ cách đọc bản báo cáo tài chính một cách nhanh, chính xác.

Đọc rõ ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính

Đọc rõ ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính

Ý kiến của kiểm toán viên là phần quan trọng mà bạn cần đọc đầu tiên. Nó đóng vai trò quan trọng trong xác định độ trung thực của bản báo cáo tài chính. Kiểm toán viên sẽ đánh giá bản báo cáo với 4 cấp độ:

  1. Chấp nhận toàn phần. 
  2. Ngoại trừ. 
  3. Không chấp nhận.
  4. Từ chối.

Những bản báo cáo tài chính được chấp nhận toàn phần từ kiểm toán viên tức là nó đã thể hiện trung thực, hợp lý hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bạn có thể tin tưởng vào những số liệu của những bản báo cáo tài chính như thế này.

Ngược lại, một bản báo cáo tài chính bị “Từ chối” có nghĩa là doanh nghiệp đang làm giả tình hình tài chính của mình. Bạn không nên tin tưởng vào những bản báo cáo tài chính được đánh giá như thế này.

Ngoài ra, bạn cũng cần chắc chắn rằng bản báo cáo được thực hiện bởi những đơn vị chuyên nghiệp, có uy tín. Những đánh giá từ những đơn vị kị kiểm toán lớn ấy sẽ có độ tin cậy hơn so với cá nhân, đơn vị ít kinh nghiệm.

Phân tích chính xác bảng cân đối kế toán

Phân tích chính xác bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán sẽ thể hiện được tình trạng tài chính của doanh nghiệp tại từng thời điểm nhất định. Đây là điều mà bạn cần nắm về một doanh nghiệp trước khi quyết định xuống tiền đầu tư. 

Một bảng cân đối kế toán hoàn chỉnh gồm có 2 phần là: 

  • Tài sản: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.
  • Nguồn vốn được thể hiện qua vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Để phân tích chính xác bảng cân đối kế toán bạn cần phân loại chính xác các loại tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp. Sau đó, sẽ đến bước tính toán tỷ trọng các khoản mục theo từng mốc thời gian. Đồng thời, bạn cần ghi chú các mục quan trọng chiếm tỷ trọng lớn, những biến động lớn. 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần nắm những chi tiết nhỏ sau đây để phân tích, xác định chính xác hơn về tài chính của doanh nghiệp.

  • Tiền và các khoản tương đương: bao gồm tiền mặt trong công ty và khoản tiền gửi ngân hàng. Điều này sẽ xác định được khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có khả năng thanh khoản lớn sẽ có tiền và các khoản tương đương lớn hơn hoặc bằng 10% nợ ngắn hạn. 
  • Vay nợ, lãi trả và các hệ số nợ. Một doanh nghiệp có mức vay nợ cao sẽ dễ bị đánh giá khả năng quản trị kém, mức độ sinh lời trên đồng vốn thấp. Khi đó, khả năng phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh bị chậm lại. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sử dụng chính sách đòn bẩy tài chính, duy trì nợ. Để đánh giá chính xác, bạn nên kết hợp giữa những vay nợ và tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân tích và hiểu báo cáo hoạt động kinh doanh

Phân tích và hiểu báo cáo hoạt động kinh doanh

Báo cáo hoạt động kinh doanh là bảng báo cáo giúp bạn nắm được tổng kết doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Cụ thể, báo cáo hoạt động kinh doanh gồm các khoản mục:

  • Doanh thu thuần của doanh nghiệp được tạo bởi hoạt động bán hàng và dịch vụ của doanh nghiệp. Khoản doanh thu này đã được trừ các khoản giảm trừ doanh thu. 
  • Doanh thu tài chính được tạo ra từ các nguồn: lãi tiền gửi; lãi từ đầu tư và sự chênh lệch tỷ giá,...
  • Thu nhập khác là những khoản doanh thu đột biến như thanh lý tài sản, phát hành chứng khoán bất thường,...
  • Giá vốn hàng bán khoản chi phí cốt lõi để tạo ra hàng hóa, dịch vụ.
  • Chi phí bán hàng (chi phí vận hành), chi phí quản lý doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp = Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán.
  • Chi phí tài chính của doanh nghiệp bao gồm phí lãi vay, khoản dự phòng các khoản đầu tư,...
  • Chi phí khác là những khoản lỗ từ các hoạt động ngoài kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp như lỗ thanh lý, bồi thường hợp đồng, sang nhượng tài sản,...

Lợi nhuận khác = Thu nhập khác - Chi phí khác. 

Để phân tích chính xác báo hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp bạn cần tiền hành 3 bước sau:

Bước 1: Tách riêng doanh thu và chi phí đồng thời phân loại chúng theo từng mục.

Bước 2: Tính tỷ trọng của từng loại doanh thu, chi phí, lợi nhuận và so sánh chúng với những số liệu cùng kỳ năm trước. 

Bước 3: Ghi chú lại những biến động lớn và phân tích nguyên nhân của chúng. 

Bạn cần lưu ý rằng bản báo cáo hoạt động kinh doanh không hoàn toàn thể hiện được dòng tiền, lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy nên để thực sự đánh giá được hoạt động của doanh nghiệp, bạn kết hợp giữa bảng cân đối kế toán, báo cáo hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Phân tích và hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền

Phân tích và hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là bản báo cáo ghi lại dòng tiền thu, chi trong doanh nghiệp. Nó thể hiện khả năng tạo ra tiền thực tế của doanh nghiệp. Một bản báo cáo tiền tệ hoàn chỉnh sẽ thể hiện rõ ràng 3 dòng tiền gồm: 

  • Dòng tiền từ các hoạt động kinh doanh là dòng tiền được tạo ra nhờ các hoạt động thanh toán cho nhà cung cấp, đối tác, khách hàng, chi trả khoản vay, chi trả thuế cho nhà nước. Đây là dòng tiền do chính doanh nghiệp tạo từ hàng hóa, dịch vụ. Các nguồn thu như huy động vốn hay vay nợ không được tính vào dòng tiền này.
  • Dòng tiền được tạo ra từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đây là dòng tiền vào, ra từ các hoạt động đầu tư, thanh lý, đầu tư và mua sắm các tài sản cố định và dài hạn.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính là dòng tiền thể hiện bởi sự tăng/giảm vốn của chủ sở hữu (nhận góp vốn mới, phát hành cổ phiếu, chi trả cổ tức cho cổ đông). Bên cạnh đó, nó còn được tạo ra từ các khoản vay nợ và chi trả nợ gốc vay hay vay mới.

Báo cáo lưu chuyển dòng tiền có thể âm hoặc dương. Điều mà bạn cần quan tâm là những dòng tiền chiếm tỷ trọng lớn như khấu hao, tài sản cố định,... sẽ giúp bạn đánh giá được khả năng tài chính của doanh nghiệp đó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có dòng tiền chi trả cổ tức ổn định, đều đặn trong khoảng thời gian kéo dài. Điều này chứng tỏ được sự lành mạnh của dòng tiền và những công bố của doanh nghiệp về dòng tiền là thực chất. 

Phân tích và hiểu thuyết minh báo cáo tài chính

Phân tích và hiểu thuyết minh báo cáo tài chính

Bản thuyết minh báo cáo tài chính sẽ giúp bạn nắm được những thông tin chi tiết về các số liệu đã trình bày trước đó bằng cách diễn giải các số liệu theo chuẩn mực kế toán. Nó cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể như sau:

  • Đặc điểm của hoạt động kinh doanh.
  • Thông tin kế toán như: kỳ, đơn vị tiền tệ, chuẩn mực kế toán, đơn vị áp dụng, chính sách kế toán
  • Các thông tin bổ sung cho Bảng cân đối kế toán; Kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

Xem nguồn dữ liệu chính thống báo cáo tài chính công ty ở đâu?

Các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải công bố báo cáo tài chính theo định kỳ. Nên bạn hoàn toàn có thể tra những dữ liệu báo cáo tài chính theo các nguồn dưới đây. 

Nguồn dữ liệu từ doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp cung cấp bản báo cáo tài chính ngay trên chính website của mình. Bạn hoàn toàn có thể truy cập miễn phí vào website đó và tìm kiếm những thông tin cần thiết. Những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hướng đến sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh thường làm điều này. Tuy nhiên, những bản báo cáo này có thể mang màu sắc chủ quan nên bạn cần cân nhắc trước khi đọc.

Nguồn dữ liệu bên thứ 3

Bạn có thể tìm kiếm thông tin doanh nghiệp tại những địa chỉ website dưới đây.

Địa chỉ websiteChủ sở hữu
congthongtin.ssc.gov.vnỦy Ban Chứng khoán nhà nước
hsx.vnSở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)
hnx.vnSở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX)

cafef.vn

vietstock.vn

stocbiz.vn 

Các công ty chứng khoán và sàn giao dịch

Qua bài viết trên, ZaloPay hy vọng rằng bạn sẽ nắm được thông tin chi tiết về bảng báo cáo tài chính là gì? Cũng như cách đọc bản báo cáo tài chính như thế nào là chính xác. Để từ đó, các nhà đầu tư có thể đưa ra được những quyết định đầu tư chứng khoán hợp lý theo như cầu của bản thân.  

Tags:
#đầu_tư_tài_chính#học_đầu_tư_chứng_khoán#thị_trường_chứng_khoán

Liên Kết Ngân Hàng & Nhận Quà 1.500.000 Đồng Từ Ví ZaloPay

Tải Ví ZaloPay